Muốn con mình là F0 nhanh chóng khỏi bệnh, không lo nặng thêm cũng như biến chứng, đây chính là 4 điều tuyệt đối không làm khi con bạn bị bệnh.
Dịch Covid-19 ngày càng có những diễn biến phức tạp tại nước ta. Đặc biệt, thời gian này, số ca F0 là trẻ em không ngừng tăng khiến phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhiều người có con là F0 hoặc con chưa bị bệnh vẫn lo lắng hỏi chuyên gia về các loại thuốc cần dùng, cách chữa Covid-19 cho trẻ nhanh khỏi. Sau khi dạo qua một vòng các câu hỏi, giới chuyên gia rút ra 4 "không" khi điều trị trẻ mắc Covid-19 tại nhà nhưng cha mẹ vẫn không hay biết.
1. Không dùng kháng sinh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, rất nhiều phụ huynh có con mắc Covid-19 đã hỏi ông rằng liệu có thể dùng thuốc kháng sinh này, kháng sinh kia để con nhanh khỏi bệnh hay không.
Tâm lý của những người làm cha mẹ này đều là mong con nhanh khỏi Covid-19 trong một sớm một chiều. Vì để lâu vì sẽ có nhiều biến chứng đi kèm. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định, việc lạm dụng kháng sinh còn khiến con dễ bị bệnh nặng hơn. Chưa kể những biến chứng nguy hiểm sau này.
"Việc sử dụng kháng sinh ngay khi con xuất hiện hiện tượng ho, sốt... khi mắc Covid-19 có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm lâu dài. Hầu hết trẻ mắc Covid-19 đều ở thể nhẹ, có thể điều trị tại nhà, không cần thiết sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc như người lớn'', chuyên gia nhận định.
Do đó, cha mẹ không tự ý truyền tay nhau các toa thuốc kháng sinh dù đó là thuốc kê cho F0 là người lớn hay trẻ nhỏ. Tùy từng trường hợp, bạn sẽ cần phải có thêm sự tư vấn chuyên sâu của bác sĩ.
2. Không dùng thuốc corticoid
BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) nhận định, việc tự ý dùng thuốc corticoid có thể khiến trẻ là F0 bị bệnh nặng thêm. Đáng tiếc là nhiều trẻ nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi cũng được cha mẹ cho sử dụng tùy tiện.
"Nếu sử dụng tùy tiện, không đúng liều lượng có thể khiến bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng hơn", BS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.
Theo đó, sử dụng thuốc corticoid tùy tiện (khi chưa có hiện tượng khó thở, SpO2 chưa giảm, chưa sốt...) gây ra quá nhiều rủi ro. Cụ thể, corticoid làm giảm chức năng miễn dịch, nên người nhiễm virus sẽ càng có nguy cơ nhiễm Covid-19 nặng hơn. Các loại vi khuẩn, nấm... cũng được dịp bùng phát, khả năng tự bảo vệ của cơ thể ngày càng suy yếu.
3. Không xông hơi xông lá
Thời gian vừa qua, Hà Nội ngập trong dịch vụ xông tại nhà do lượng F0 tăng quá nhanh. Người lớn xông được thì không lý gì trẻ con không xông được. Thế là nhiều người tự ý xông cho con khi con mắc Covid-19. Trong đó không thiếu cả những trường hợp trẻ sơ sinh mới vài tháng tuổi.
BS Trương Hữu Khanh (Thầy thuốc Ưu tú, Chuyên gia Dịch tễ, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cảnh báo, cha mẹ tuyệt đối không được xông cho trẻ vì quá nhiều rủi ro đi kèm. Trẻ không phải là người lớn, không chủ động trong việc hít thở khi xông nên rất nguy hiểm.
Vị chuyên gia liệt kê một loạt rủi ro dễ gặp phải nếu cho trẻ là F0 xông: Trẻ dễ bị bỏng nặng, nguy cơ mất nước, mất điện giải có thể khiến trẻ mệt lả, lịm dần và tử vong. Không những thế, xông cho trẻ là F0 còn dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, mũi họng dễ bị kích ứng, chảy máu mũi...
Chưa kể, việc xông như vậy không hề có tác dụng tiêu diệt virus. Do đó, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không được cho trẻ mắc Covid-19 xông dù dưới bất cứ hình thức nào.
4. Không ra ngoài
Một khi trẻ mắc Covid-19 thì cũng cần có chế độ cách ly riêng giống như một F0 bình thường. Chỉ khác là phải có thêm người chăm sóc trẻ bên cạnh, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ không ra ngoài trong thời gian này. Điều này sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng.
Nếu cha mẹ muốn con có không gian thoáng rộng, thoải mái hơn ngoài 4 bức tường trong phòng thì cũng hãy thật sự kiên nhẫn trong thời gian này nhé!
BS Trương Hữu Khanh nhận định, đa phần trẻ mắc Covid-19 thể nhẹ, tự khỏi tại nhà. Cha mẹ chỉ đưa con đến viện nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu sau đây:
1. Thở mệt
2. Không ăn, không chơi sau khi hết sốt
3. Thở nhanh hơn bình thường
4. SpO2 < 95
5. Mức độ ăn nhỏ hơn 1/3 so với bình thường
6. Sốt cao kéo dài, nôn ói, đau đầu.