Khi trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa, bản thân chúng cũng rất áp lực. Vì vậy cha mẹ không nên tạo thêm căng thẳng cho bé bằng việc ép con ăn, mắng mỏ hay phê bình chúng.

My My (t/h) 06:00 05/03/2023

 

Bạn biết không! Khi thấy trẻ không chịu ăn, thường xuyên táo bón hay tiêu chảy…thì cha mẹ nào mà không lo lắng xót xa. Nhưng không chỉ có bạn, mà bản thân trẻ cũng có cảm giác lo lắng, khó chịu còn nhiều hơn ba mẹ của chúng, chỉ có điều là trẻ không thể nói cho bạn hiểu.

Không những vậy, theo TS. Cherry, BV Nhi Rady, Mỹ cũng cho biết: Trẻ có thể gia tăng triệu chứng khó chịu từ các vấn đề tiêu hóa nếu chúng cảm thấy lo lắng và stress. Do đó, đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh đánh giá vấn đề, tránh tạo áp lực lên trẻ thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng. Đây là một vài gợi ý để bạn có thể đánh giá liệu >hệ tiêu hóa của trẻ có đang làm việc tốt không?

1. Trẻ thường kêu đau bụng và khó chịu:

Trẻ con thường không thể diễn tả sự đau bụng của trẻ rõ ràng như người lớn. Do đó, rất khó để nhận biết các vấn đề như đầy bụng, khó tiêu hay đau bụng ở trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường có biểu hiện chán ăn trước bữa ăn hoặc thường xuyên khóc (với bé nhỏ hơn 2 tuổi) hoặc nói đau bụng thì có thể trẻ đang gặp vấn đề tiêu hóa.

2. Dấu hiệu của phân như màu sắc và độ đặc lỏng:

Màu phân có thể xem là không tốt khi có màu trắng (rất nguy hiểm với trẻ dưới 6 tháng tuổi), màu đỏ do lẫn máu hoặc màu đen. Phân quá lỏng có thể trẻ đang tiêu chảy và ngược lại phân thành khối, cứng có thể to hay không có thể là dấu hiệu của táo bón.

 

3. Phân có lẫn thức ăn:

Thực tế, phân lẫn thức ăn là thông thường với trẻ dưới 2 tuổi. Nếu trên độ tuổi này mà phân của trẻ vẫn còn lẫn thức ăn thường xuyên mặc dù bạn đã chia thức ăn nhỏ hoặc làm mịn, thì có thể có liên quan đến 1 vấn đề tiêu hóa nào đó.

4. Mùi của phân:

Mùi của phân có thể bị ảnh hưởng bởi loại thức ăn trẻ ăn. Tuy nhiên, nếu phân nhầy nhụa đi kèm mùi thối khó chịu hoặc thường đánh rắm mùi khó chịu thì cũng có thể do hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động đang kém hiệu quả.

Làm thế nào để giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh

Hệ tiêu hóa cũng là 1 cơ quan quan trọng không kém gì não bộ vì nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất >dinh dưỡng mà còn liên quan mật thiết với hệ miễn dịch khỏe mạnh của trẻ. Với hơn 80% tế bào miễn dịch có thể tìm thấy ở đường ruột thì không có gì sai khi nói hệ tiêu hóa là cơ quan quan trọng giúp cơ thể chống trả bệnh tật.

Một số cơ quan giữ chức năng quan trọng trong hệ tiêu hóa như ruột non, ruột già và dạ dày của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh trước 12 tuổi. Vì vậy trẻ rất nhạy cảm với loại thức ăn, cách chế biến cũng như khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Đây là một số lời khuyên để giúp hệ tiêu hóa của trẻ làm việc được hiệu quả hơn:

1. Hỗ trợ sự tiết nước bọt của trẻ

Thực ra, hệ thống tiết nước bọt chưa tốt có thể làm trẻ ít thèm ăn. Do đó, bạn nên thay đổi cấu trúc thức ăn của trẻ theo đúng độ tuổi ăn dặm là cần thiết. Trước 7 tháng tuổi, cấu trúc nên ở dạng loãng mịn, nhưng sau đó nên tăng dần độ thô và sau 1 tuổi trẻ trẻ cần được giới thiệu cơm nát và thức ăn có đa dạng cấu trúc hơn như: dạng que, dạng hình khối… Điều này giúp trẻ nhai và tiết nước bọt được tốt hơn.

Một số gia vị như muối, nước mắm có thể thêm vào thức ăn của trẻ sau 1 tuổi, nhưng hạn chế lượng theo khuyến nghị. Bạn cũng có thể giới thiệu rau thơm, hành tỏi cho trẻ từ tháng thứ 10. Thêm gừng, ớt, tiêu và một số rau mùi để nêm vào món ăn khi trẻ từ 2 tuổi nhằm giúp trẻ tăng tiết nước bọt khi nhai cũng như kích thích sự thèm ăn của trẻ.

 

 2. Củng cố hệ vi sinh đường ruột của trẻ

Hệ khuẩn chí đường ruột bao gồm cả những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Sự đa dạng và tỉ lệ thích hợp của các chủng vi khuẩn này trong đường ruột gọi là cân bằng hệ khuẩn chí đường ruột. Những vi khuẩn này cũng là "ban đối nội" quan trọng. Khi cần, chúng sẽ ức chế và tiêu diệt những vi khuẩn xâm nhập bất hợp pháp vào nhà của chúng, tức là đường ruột của chúng ta. Trong đó, 2 nhóm lợi khuẩn Bifidobacterium và Lactobacillus là chiếm ưu thế và có nhiều vai trò quan trọng trong đường ruột nhất. Cụ thể:

* Nhóm Lactobacillus, có thể tìm thấy trong sữa mẹ, có vai trò giống như "người anh đầu đàn" trong việc giúp định hướng phát triển cho nhóm lợi khuẩn đường ruột của trẻ. Vì thế mẹ nên cho con bú sữa mẹ ít nhất từ giai đoạn 0-6 tháng tuổi.

* Nhóm Bifidobacterium hoạt động chiếm hơn 50% hệ khuẩn đường ruột của trẻ. Khi hoạt động Bifidobacterium giúp giải quyết các xâm nhập vô ý gây hại cho cơ thể thông qua hoạt động kháng và ngăn ngừa viêm. Bifidobacterium cũng cạnh tranh nơi cư trú, chỗ bám trong đường ruột và thức ăn với vi khuẩn gây hại. Không những vậy, nhóm Bifidobacterium cũng chính là tác nhân kêu gọi hoạt động của tế bào tua tham gia vào bắt giữ các sự xâm nhiễm cố ý này. Do những lợi ích quan trọng này, mà chúng đã được ứng dụng và phát triển khá nhiều trong các dòng sản phẩm probiotics bổ sung lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ. Vì thế mẹ có thể bổ sung men tiêu hóa có chứa Bifidobacterium cho con. Và tất nhiên phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn.

3. Giúp trẻ vui vẻ, hạn chế tác nhân stress

Tránh áp lực lên bữa ăn của trẻ vì việc stress trong bữa ăn cũng làm hệ tiêu hóa của trẻ bị rối loạn. Hạn chế cho trẻ ăn trước màn hình TV hoặc Ipad, vì điều này sẽ làm trẻ bị sao nhãng khi ăn.

Luôn tìm cách tâm sự và trò chuyện với trẻ khi trẻ cảm thấy stress vì điều này cũng là cách giúp trẻ ăn uống và hấp thu thức ăn được tốt hơn.

 

Theo Minh Nhật/ Tổ quốc