Con cái rất dễ bị tổn thương nếu bố mẹ không biết cách ứng xử trước mặt người ngoài, đặc biệt trong một số tình huống như sau.

An Nhiên (t/h) 05:50 21/01/2022

Đối với các bậc phụ huynh, điều khiến họ tự hào nhất có lẽ là nuôi dạy được một đứa trẻ ngoan ngoãn, giỏi giang. Thế nhưng, bất cứ khi nào người khác khen ngợi con mình, bố mẹ lại cố tỏ ra khiêm tốn. Họ cho rằng, đây là phép lịch sự xã giao nhưng điều này lại vô tình làm con cái bị tổn thương.

Tiểu Linh là một đứa trẻ rất ngoan, từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, đạt được nhiều bằng khen. Cô bé thuộc diện "con nhà người ta" nên bố mẹ rất tự hào. Vì vậy, khi được người khác khen ngợi, cô bé rất vui. Cô bé nghĩ rằng, không vì những lời khen này mà trở nên kiêu căng, ngược lại cần phải tiếp tục cố gắng học hành hơn nữa.

Tiểu Linh là một cô bé ngoan ngoãn. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, bố mẹ của Tiểu Linh lại không nghĩ như vậy. Mỗi khi nghe người khác khen ngợi con mình, bên trong thì vui vẻ nhưng bên ngoài lại tỏ ra khiêm tốn. Lần nào mẹ của Tiểu Linh cũng nói: "Thực ra con bé nhà tôi ngốc lắm. Lần thi này điểm cao cũng chỉ do may mắn thôi" hay như "Con nhà tôi không ngoan như cô nói đâu, nó còn kém xa con nhà cô lắm"… Nghe những lời này, Tiểu Linh không khỏi khó chịu và hỏi lại mẹ mình tại sao lại nói những lời như thế. Đáp lại lời con gái, người mẹ nói rằng "đây là phép lịch sự, lớn lên con sẽ hiểu".

Sau đó, việc học của Tiểu Linh ngày càng sa sút. Cô bé cảm thấy những cố gắng của mình không được gia đình công nhận. Thay vào đó, cô bé bắt đầu tự hành hạ bản thân, căm ghét mẹ mình.

Trên thực tế, có không ít những bậc phụ huynh như mẹ của Tiểu Linh. Họ cho rằng, đây là biểu hiện lịch sự, phép xã giao thông thường. Mặc dù con cái ngoan ngoãn, giỏi giang nhưng không nên quá đề cao chuyện này.

Kết quả điều này khiến cho con cái bị tổn thương, trẻ dần trở nên tự ti, xa cách bố mẹ hơn. Trẻ nghĩ rằng, tại sao mình học hành chăm chỉ như vậy mà bố mẹ vẫn không công nhận.

3 cách ứng xử của bố mẹ khiến con cái bị tổn thương

1. Anh chị lớn phải biết nhường em nhỏ

Trong tiềm thức của nhiều bậc phụ huynh, họ cho rằng trẻ lớn phải biết nhường nhịn em nhỏ. Trong mắt của bố mẹ, trẻ nhỏ thường là đối tượng cần bảo vệ ưu tiên.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng, dù là trẻ lớn hay nhỏ, chúng đều là trẻ con, chẳng lẽ chỉ vì lớn hơn vài tuổi mà bị người lớn thiên vị như vậy? Có thể điều này không đáng bận tâm trong mắt một số bố mẹ nhưng nó lại khiến trẻ khó chịu, sinh ra cảm giác ghét em mình, hậu quả tiềm ẩn rất lớn.

2. Biểu diễn trước mặt người lạ

Vì trẻ có một số năng khiếu nên bố mẹ thường yêu cầu con mình biểu diễn trước mặt người thân và bạn bè. Điều này cũng phần nào thể hiện tài năng của con cái và tăng thêm không khí vui vẻ cho buổi tụ họp.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng, hầu hết trẻ sẽ từ chối vì cảm thấy xấu hổ. Nếu trẻ vẫn bị bố mẹ ép làm, điều này sẽ để lại những tổn thương tâm lý nhất định cho trẻ.

3. Quá khiêm tốn trước mặt người khác, phủ nhận sự nỗ lực của trẻ

Những đứa trẻ dù giỏi giang như thế nào vẫn cần sự khẳng định và công nhận của bố mẹ để tạo động lực cố gắng thêm. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại tỏ ra khiêm tốn trước sự giỏi giang của con mình. Điều này vô tình làm tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến chúng nghĩ rằng những việc mình cố gắng đều vô nghĩa.

Vì vậy, trước mặt người ngoài, bố mẹ phải khen ngợi con một cách xứng đáng, không nên lúc nào phủ nhận nỗ lực của trẻ. Nếu trẻ không được công nhận, chúng dễ dàng bỏ cuộc.

 
Theo PHAN HIỀN/Tổ Quốc