Cư dân sinh sống tại 2 tòa chung cư lô 4, 5 Lideco Hạ Long, TP.Hạ Long cho rằng chủ đầu tư cố tình chây ì thành lập ban quản trị nhà chung cư để chiếm dụng 21 tỷ đồng (2%) tiền bảo trì, còn Lideco Hạ Long thì tố có một nhóm cư dân đang có ý đồ chiếm dụng số tiền này.
Tại hội nghị nhà chung cư >Lideco Hạ Long lần 1 mới đây, ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Lideco Hạ Long, cho rằng hiện có một nhóm cư dân đang cố tình gây khó khăn, cố tình giải quyết những bất hợp lý trong chính sách của nhà chung cư. Mục đích của nhóm người này là đang muốn sở hữu số tiền 21 tỷ đồng (2%) tiền bảo trì chung cư của bà con.
“Chính vì vậy tôi công khai, minh bạch tất cả những vấn đề thắc mắc của bà con không có vướng gì. Tại đây, tôi và đại diện chính quyền sẽ trả lời mọi thắc mắc của người dân. Chúng ta sống phải có văn hóa, phải có trật tự, sống phải đúng pháp luật, chúng tôi làm việc theo pháp luật, nếu sai pháp luật xử. Người dân, các chủ sở hữu căn hộ có quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm, bà con thắc mắc gì chúng tôi trả lời nội dung đó. Còn nhóm người phản đối dự cũng được mà không dự cũng được. Bởi vì, 10 người hay 20 người thì không thể đại diện cho 800 căn hộ ở đây. Chúng tôi bảo vệ quyền lợi cho 800 hộ dân chứ 10 hay 20 người không thể đại diện cho tất cả các vị”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho biết, số tiền 2% tương đương 21 tỷ đồng tiền bảo trì chung cư tạm thời do chủ đầu tư quản lý và đã được Lideco Hạ Long gửi tiết kiệm tại ngân hàng Công thương chi nhánh Quảng Ninh. Đây là tiền của cư dân, vì vậy chủ đầu tư chỉ đang giữ hộ, không sử dụng, khi nào thành lập được Ban quản trị tòa nhà, chủ đầu tư sẽ bàn giao đây đủ toàn bộ số tiền bảo trì đã thu được và cả lãi phát sinh trong quá trình gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, theo một số cư dân Lideco Hạ Long, chủ đầu tư đang thể hiện là cố tình chây ì trong việc thành lập Ban quản trị tòa chung cư. Chị Đinh Việt Hà, cư dân tòa nhà B, Lideco Hạ Long dẫn chứng, họ liên tục thay đổi nội dung, thêm các điều khoản khó khăn trong thông báo mời họp Hội nghị nhà chung cư để làm khó cư dân.
Lần đầu gửi giấy mời là ngày 9/9, chỉ với nội dung bầu ban quản trị tòa nhà và giải đáp thắc mắc, địa điểm tại phòng sinh hoạt cộng đồng, thời gian họp là 9h ngày 15/9. Đến tối ngày 13/9 (tối thứ 6), họ lại phát một giấy mời khác để thay đổi thời gian Hội nghị từ 9h chuyển thành 8h ngày 15/9, địa điểm chuyển lên tầng 31 tòa nhà và có thêm các điều kiện dự họp rất ngặt nghèo: Phải đích danh chủ sở hữu trên hợp đồng, nếu ủy quyền phải có giấy ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật; người dự họp phải mang theo chứng minh thư, căn cước để đối chiếu.
“Họ thông báo vào chiều thứ 6, nếu có làm giấy ủy quyền làm gì kịp xác nhận. Họ mời 800 người lên họp với giấy gấp như vậy lại còn phải làm giấy ủy quyền nên cuộc họp chỉ có gần 100 người lên dự. Họ là doanh nghiệp có kinh nghiệm nhưng lại tổ chức thế này, rõ ràng họ cố tình làm khó cư dân để kéo dài thời gian quản lý tòa nhà. Giá phí gửi xe họ cũng tự nghĩ ra, ban đầu là 1 triệu đồng/ô tô/tháng, sau đó người dân ý kiến thì họ giảm xuống còn 600.000 đồng/ô tô/ tháng”, chị Hà cho biết.
Theo hợp đồng mua bán căn hộ giữa người dân và Lideco Hạ Long, tại điều 3.3, bên bán có trách nhiệm gửi khoản tiền 2% phí bảo trì tòa nhà vào ngân hàng thương mại trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày thu theo lãi suất không thời hạn để tạm quản lý. Bên bán có trách nhiệm bàn giao lại khoản kinh phí này gồm cả tiền lãi cho Ban quản trị nhà chung cư sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập.
Tuy nhiê, theo bảng lãi suất huy động vốn của Ngân hàng Công thương Việt Nam, tiền gửi không kỳ hạn chỉ có lãi suất 0,1%/năm, còn tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 7 tháng lãi suất là 5,5%, tiền gửi 12 tháng lãi suất là 7%/năm. Như vậy, nếu 21 tỷ đồng tiền bảo trì được gửi với kỳ hạn 12 tháng thì sau 1 năm số tiền lãi đã gần 1,5 tỷ đồng; trong khi nếu gửi không kỳ hạn thì lãi suất chỉ được khoảng 21 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường >bất động sản, Sở xây dựng Quảng Ninh, Lideco là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý các dự án chung cư, tuy nhiên hội nghị lần này chưa thành công.
Khi chưa thành lập được Ban quản trị nhà chung cư thì chủ đầu tư nên có danh sách các doanh nghiệp dự kiến sẽ quản trị tòa nhà cho người dân được lựa chọn. Các tầng, các tòa cũng nên cử ra đại diện để đi dự hội nghị vì rất khó để mời đủ trên 400 hộ dân (50% tổng số cư dân) tham dự hội nghị, mà nếu không đủ số 50% số cư dân đồng thuận thì không thể thành lập được ban quản trị nhà chung cư.