Tại các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, nhưng hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại.
- Nhà liền kề, biệt thự The Eden Rose: Quy hoạch xây 3 tầng nhưng bán 4 tầng
- Chủ đầu tư bị đình chỉ 12 tháng nếu không công khai tình trạng pháp lý
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây Dựng), cho biết như thế tại Hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, diễn ra sáng nay, tại TP.HCM.
Nhà ở cho công nhân, lao động chỉ đáp ứng 28% nhu cầu
Theo ông Ninh, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP.HCM (63%), Đồng Nai (60%),…
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, đối với dự án nhà ở công nhân, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2, bố trí cho ở cho khoảng 330.000 người lao động. Song con số này mới chỉ đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án, với khoảng 88.000 căn hộ (khoảng 704.000 chỗ ở).
Riêng các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương cũng đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn: TP.HCM có 34 dự án đã hoàn thành (trên 5.700 căn hộ); 15 dự án đang triển khai (khoảng 17.200 căn); tỉnh Đồng Nai mới có 1 dự án hoàn thành (146 căn hộ); 2 dự án đang triển khai (4.000 căn hộ); 13 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (64,35 ha đất); tại Bình Dương có 5 dự án đã hoàn thành (3.430 căn hộ); 5 dự án đang triển khai (6.800 căn)…
“Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Sắp tới, NHNN cũng đề xuất bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 NHTM để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định”, ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây Dựng) đề xuất nhiều giải pháp xây nhà ở cho công nhân, lao động (Ảnh: Quốc Hải)
Cũng theo ông Ninh, ngoài nguồn tín dụng vay ưu đãi chưa được bố trí, một khó khăn lớn nữa là hầu hết các DN kinh doanh BĐS không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc thủ tục, lợi nhuận bị khống chế; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội…
“Mặc dù nhà ở xã hội có giá bán thấp hơn 20-30% so với giá nhà thương mại nhưng do thu nhập của công nhân lao động còn hạn chế, nên rất khó khăn để mua nhà ở”, ông Ninh nói thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cũng thừa nhận: Nguồn cung nhà ở xã hội dành cho đối tượng công nhân lao động hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của thị trường. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vẫn còn chậm, do các chính sách đối với đối tượng này mới được hoàn thiện, cần thời gian để phổ biến và đi vào thực tế, đặc biệt là cần nguồn lực tài chính lớn phải huy động xã hội hóa.
“TP.HCM hiện có khoảng 187 ngàn doanh nghiệp, trong đó có 1.100 doanh nghiệp với 377.000 công nhân lao động đang làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay Thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Tương tự, tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 10.100 doanh nghiệp và khoảng 300 ngàn lao động trong, ngoài tỉnh, tuy nhiên việc xây dựng nhà ở cho công nhân đáp ứng chưa được 2 - 3% nhu cầu... Do đó, rất cần nguồn lực từ xã hội hóa”, ông Minh nói.
Giải pháp nào để đáp ứng nhà ở cho công nhân lao động?
Trước nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân lao động ngày càng lớn, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, đề xuất nhiều giải pháp, như: Đề nghị các địa phương bố trí quỹ đất; bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng trung hạn 2019-2020 để cho vay nhà ở xã hội; UBND các địa phương bố trí nguồn ngân sách địa phương theo thẩm quyền (trong đó có tiền SD đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án dưới 10 ha (theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP); Bổ sung quy định cho phép XD nhà ở diện tích vừa và nhỏ để doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân…
Thực tế hơn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị: Đề nghị các bộ ngành cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
“Đồng thời, với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn, đã đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn (quy định diện tích tối thiểu hiện nay là 36m2, 50m2, 80m2) để giải quyết bài toán nhà ở. Cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp “sổ đỏ” cho “căn nhà nhỏ” của người có thu nhập thấp, người nghèo…”, ông Châu đề xuất.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần ¼ tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; Có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; Có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65% - 94% đối tượng khảo sát); Có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
”