Hiện nay, vào dịp cuối năm dương lịch cũng là thời điểm các em học sinh phổ thông chuẩn bị bước vào đợt đánh giá cuối học kỳ I. Một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là kết quả thi cử của con em mình.
Nhiều trẻ gặp vấn đề khó khăn trong học tập đã được ba mẹ đưa đến các phòng khám tâm lý. Bởi lo lắng rằng con em mình chậm phát triển trí tuệ và mong muốn tìm một giải pháp phù hợp.
Khó khăn trong học tập
Có thể bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính sau đây:
- Do bản thân trẻ: chậm phát triển tâm thần; tăng động - kém tập trung; rối loạn hoặc bất thường về chức năng cơ thể (khả năng thính lực, phát âm…); các rối loạn đặc hiệu và phát triển các kỹ năng ở trường.
- Do tâm lý, môi trường: môi trường học tập có vấn đề, phương pháp giáo dục chưa phù hợp (trẻ bị bạo hành, bắt nạt…). Vấn đề tâm lý ở trẻ như lo âu, trầm cảm, ba mẹ ít quan tâm, gia đình có trục trặc về tương quan…
Khi một trẻ gặp khó khăn trong học tập, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để tìm hiểu về môi trường học tập của trẻ. Ngoài ra phụ huynh cũng có thể đưa trẻ đến bệnh viện để tầm soát nguy cơ bất thường về cơ thể, rối loạn liên quan đến tâm lý.
Trẻ có kết quả học tập kém dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ?
Hiệp hội Chậm Phát triển Tâm thần Mỹ (American Association of Mental Retardation - AAMR): trẻ đáp ứng tốt hay kém với môi trường quan trọng hơn mức độ trí tuệ. Thực hành chức năng có hai yếu tố: năng lực và môi trường.
Năng lực hay sự thành thạo: thay đổi trong bối cảnh cá nhân. Có 2 loại năng lực là trí tuệ và kỹ năng đáp ứng:
Trí tuệ: bao gồm cả nhận thức và học tập, AAMR định nghĩa chỉ số IQ là 75 hay thấp hơn là tiêu chuẩn ngưỡng cho chậm phát triển tâm thần.
Các kỹ năng đáp ứng: được hình thành bởi trí thông minh xã hội và thực hành. Trí thông minh thực hành liên quan đến những kỹ năng cần để duy trì sự độc lập của cá nhân trong việc xử trí các sinh hoạt thông thường hằng ngày (như tắm, mặc quần áo, tự múc ăn). Trí thông minh xã hội liên quan đến khả năng hiểu được hành vi xã hội phù hợp, các kỹ năng xã hội, các quyết định về đạo đức tốt đẹp trong những tình huống quan hệ với cá nhân khác.
Tiêu chuẩn chẩn đoán các dấu hiệu tâm thần (DSM-IV-TR/2000) bao gồm 3 tính chất: trí tuệ dưới mức trung bình: IQ< 70 ; 2) - Suy kém trong hành vi đáp ứng và khởi phát sớm dưới 18 tuổi.
DSM cũng sử dụng điểm IQ để phân loại mức độ nặng nhẹ của chậm phát triển tâm thần:
- Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ: IQ từ 55 - 70. Khoảng 85% người chậm phát triển tâm thần nằm ở mức độ này. Những cá nhân này có kỹ năng học tập ở khoảng mức lớp 6 khi trẻ ở giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên và có thể sống được trong cộng đồng một cách độc lập hay ở môi trường có giám sát.
- Chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình: IQ từ 40 - 54. Hầu hết các cá thể đều cần sự trợ giúp trong suốt cuộc đời, một số cá thể trong nhóm cần ít dịch vụ trợ giúp. Các cá thể đáp ứng tốt với >đời sống cộng đồng trong môi trường có giám sát.
- Chậm phát triển tâm thần mức độ nặng: IQ từ 25 - 39. Những cá thể này bị giới hạn trong khả năng đạt được những kỹ năng học tập, mặc dầu trẻ có thể học đọc một số từ “ sống còn” như ăn, uống... Khi ở tuổi trưởng thành, chúng có thể thực hiện được những nhiệm vụ đơn giản dưới sự giám sát và đáp ứng với cộng đồng bằng cách sống với gia đình hay sống trong nhà tập thể.
- Chậm phát triển tâm thần mức độ rất nặng: IQ<25. Những cá thể này cần được chăm sóc và trợ giúp lâu dài. Huấn luyện phải được tăng cường để dạy những kỹ năng cơ bản như ăn uống, làm vệ sinh cá nhân, mặc quần áo. Hầu hết đều có nguyên nhân thực thể.
Đơn vị Tâm lý, BV. Nhi Đồng Thành phố, có thể thực hiện những test đã được chuẩn hóa hoặc thích nghi nhằm đánh giá chỉ số IQ cũng như chỉ số thích nghi các trẻ. Phụ huynh không nên dựa vào các test IQ trên mạng, không rõ nguồn gốc để cho con em mình thực hiện. Đôi khi kết quả không chính xác từ các test này có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình và trẻ.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến lý thuyết về mô hình các trí thông minh giáo sư Howard Gardner của trường Đại học Havard đưa ra vào 1983 bao gồm: trí thông minh logic toán, trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh không gian, trí thông minh cơ thể, trí thông minh >âm nhạc, trí thông minh về nội tâm, trí thông minh trong tương tác cá nhân.
Từ đó cho thấy khả năng của trẻ là vô hạn, có thể có nhiều khả năng của trẻ mà chưa được khám phá và phát huy. Phụ huynh không nên “dán nhãn” (labelling theory) vào việc một đứa trẻ chậm phát triển và ám thị rằng con không thể làm gì được. Trẻ sẽ dễ bị ám thị và không bao giờ có thể thành công trong cuộc sống. .
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn ở trẻ em
Nhiều trẻ bị giáo viên phản ánh lại phụ huynh rằng hay lăng xăng, kém tập trung dẫn đến kết quả học tập kém. Vậy đó có phải là trẻ bị tăng động, kém tập trung không?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention - deficit hyperactivity disorder - ADHD) là một rối loạn ở trẻ em. Những trẻ mắc rối loạn này thường có biểu hiện các triệu chứng kém chú ý, tăng hoạt động, xung động không phù hợp theo tuổi. Những triệu chứng này gây ra ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt và các hoạt động trong đời sống hằng ngày.
Khả năng của trẻ là vô hạn không nên bị dán nhãn vào việc một đứa trẻ chậm và ám thị rằng con không thể làm gì được
ADHD khởi phát trước 7 tuổi và sẽ kéo dài khi trẻ ở tuổi vị thành niên và thậm chí là trưởng thành.
ADHD có ba thể là: giảm chú ý, tăng động - xung động và phối hợp (vừa tăng động và giảm chú ý). Một số triệu chứng điển hình của ADHD bao gồm:
Giảm chú ý: là tình trạng không chú ý đến những chi tiết nhỏ, hay lơ đễnh trong học tập, công việc; khó duy trì sự chú ý trong công việc; thường khó sắp xếp công việc và hoạt động hàng ngày; không làm theo chỉ dẫn và không hoàn thành các bài tập ở trường hay các nhiệm vụ trong gia đình; hay làm mất đồ dùng, dụng cụ học tập; dễ bị lo ra vì các kích thích bên ngoài; hay quên trong sinh hoạt hàng ngày…
Tăng động: là hiện tượng các bé hay chạy vòng quanh hoặc leo trèo quá mức dù hoàn cảnh không cho phép; thường cựa quậy cơ thể khi ngồi; trong lớp thường rời khỏi chỗ ngồi khi đang học; nói quá nhiều; khó tham gia các trò chơi tĩnh lặng
Xung động: các bé hay trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; khó chờ đến lượt và hay xen ngang cuộc nói chuyện…
Các biểu hiện này phải kéo dài hơn 6 tháng - 12 tháng và diễn ra ở tất cả các tình huống, môi trường như ở gia đình, trường học, nhà họ hàng, lớp học thêm… Nếu trẻ chỉ biểu hiện các vấn đề trên trong một nơi mà thôi không thể kết luận trẻ mắc ADHD mà phải xem xét các yếu tố khác liên quan đến môi trường đó, phương pháp giáo dục…
Nhiều trẻ ở nhà thể hiện rất tăng động, quậy phá nhưng khi đến trường lại tỏ ra ngoan ngoãn vâng lời thầy cô phụ huynh cần xem xét lại cách tương tác trong gia đình và cách giáo dục của ba mẹ.
Ngoài ra đối với trẻ em, việc tỏ ra kích thích, hiếu động hoặc chống đối có thể là biểu hiện của trầm cảm.
Điều quan trọng chúng ta hướng đến là giúp cho con tự lập sau này và hạnh phúc với cuộc sống của mình
Can thiệp hỗ trợ cho một trẻ gặp khó khăn về học tập
Sau khi xác định nguyên nhân đưa đến khó khăn trong học tập của trẻ, chúng ta sẽ có những cách can thiệp khác nhau để hỗ trợ các em.
Nếu trẻ có bất thường về chức năng cơ thể, sẽ được can thiệp của các chuyên khoa liên quan.
Ở góc độ tâm lý, chúng tôi hướng đến biện pháp giáo dục và hỗ trợ tâm lý cho trẻ và ba mẹ.
Khi hướng dẫn trẻ học:
- Thông tin chuyển tải đến trẻ phải phù hợp với khả năng hiểu biết của trẻ đang có, vì nếu thông tin thấp hơn khả năng, trẻ sẽ nhàm chán, và thông tin cao hơn khả năng, trẻ sẽ nản chí.
- Điều chỉnh thời gian học một cách hợp lý. Theo nghiên cứu cho thấy, trẻ 5 tuổi tập trung tốt khoảng 5 - 6 phút, trẻ 6 tuổi tập trung 6 - 7 phút. Dựa vào sự tập trung đó, phụ huynh khích lệ trẻ làm bài, sau đó cho trẻ nghỉ ngơi vài phút rồi động viên trẻ vào bàn và tiếp tục học.
- Cần có thời gian biểu rõ ràng, quy định thời gian và môn học. Xen kẽ môn học trẻ thích và môn học trẻ ít thích hơn để buổi học có thể kéo dài.
- Hạn chế la mắng, đánh (nếu có), tăng cường động viên, khích lệ (bằng lời khen, phần thưởng).
- Khuyến khích trẻ chơi những hoạt động tập thể.
- Mỗi trẻ có một sự phát triển khác nhau, đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, phụ huynh cần chấp nhận và hướng dẫn cho trẻ theo khả năng của trẻ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Về phía gia đình, điều đầu tiên cần làm là chấp nhận trẻ với tất cả thực tế trẻ đang gặp phải. Dù con có thể không được như kỳ vọng của chúng ta, nhưng đó vẫn là con do chúng ta sinh ra với tất cả tình yêu thương. Một con người không phải cần học thật tốt mới có thể thành công. Điều quan trọng chúng ta hướng đến là giúp cho con tự lập sau này và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Nếu ba mẹ đã chấp nhận vấn đề, việc đồng hành cùng một đứa trẻ gặp khó khăn trong học tập không còn là một áp lực quá nặng nề với các bậc phụ huynh.