Trẻ thường nói "Nếu con làm xong bài, mẹ phải thưởng quà", phản ánh thói quen dùng vật chất thương lượng của bạn.
Theo chuyên gia chia sẻ trên Cmoney, hãy điều chỉnh những hành vi này của con trước khi bé 6 tuổi, nếu không, khi bé lớn hơn, việc thay đổi càng trở nên khó khăn.
1. Bé đặt ra các điều kiện
Mỗi khi bạn nhắc con làm bài tập, bé sẽ nói: "Nếu con làm xong bài, mẹ phải trả tiền cho con". Bé thường đặt điều kiện cho các công việc phải làm, ví dụ: "Nếu con không xem tivi nữa, mẹ sẽ mua đồ chơi cho con chứ?"... Học tập là nhiệm vụ của trẻ, cũng như việc không xem tivi là để bảo vệ đôi mắt bé, nhưng đứa trẻ lại lấy đó để thỏa thuận. Việc trẻ thường xuyên đưa ra điều kiện cho thấy bé dần phát triển thói quen xấu.
Điều này cũng phản ánh cách giáo dục của bạn: bạn thường lấy điều kiện vật chất như là một phương tiện thương lượng với con cái, để thúc giục con làm việc. Đứa trẻ hình thành suy nghĩ rằng việc làm bài tập là việc của bố mẹ, và khi con làm việc đó, bố mẹ có nghĩa vụ phải đồng ý với các yêu cầu của con.
2. Bé đánh người lớn
Hành động đánh người lớn (bố mẹ, ông bà) ở trẻ được đánh giá là hư. Khi không đồng ý với điều gì đó mà người lớn nói, bé bắt đầu đánh lại họ. Thậm chí, nếu không thích điều gì đó, bé hành xử hung hăng, nói năng hỗn hào.
Trên thực tế, trẻ có một số giai đoạn thích đánh người khác, bởi vì cảm xúc của bé ở giai đoạn này rất tự nhiên, yêu ghét rõ ràng, bé chưa biết cách kiểm soát cảm xúc, mọi dấu hiệu đều thể hiện rất rõ trên gương mặt. Vì thế, khi trẻ có xu hướng đánh người lớn, cha mẹ cần phải có sự kiểm soát hành động của con đúng thời điểm.
Nhiều cha mẹ, ông bà có suy nghĩ rằng hành vi đánh người của bé là do "còn nhỏ, chưa hiểu biết", nhưng thực tế suy nghĩ này là một cách dung túng cho hành vi xấu. Khi thói quen xấu này được phát triển, sẽ rất khó để có thể sửa chữa.
Trẻ 3-4 tuổi đánh người khác có thể được coi là còn bé, chưa được uốn nắn, nhưng khi bé lớn hơn mà vẫn hành xử như vậy, bé sẽ bị nhận xét là "không được giáo dục", và ở độ tuổi này, sẽ rất khó có thể uốn nắn.
3. Bé ích kỷ
Khi một món ăn được mang tới, con sẽ chia sẻ với bạn hay ăn nó một mình? Nhiều bố mẹ có tâm lý khi có đồ ăn ngon sẽ cho trẻ ăn trước, sau khi con ăn no chán chê rồi, bố mẹ mới ăn. Đây thực sự là một sai lầm trong việc giáo dục con, bởi vô tình bạn dung dưỡng cho nhân cách ích kỷ, đề cao bản thân của con, nên nếu có đồ ăn ngon, con không biết nghĩ đến người khác.
Một đứa trẻ ích kỷ khi có đồ ăn ngon sẽ không nghĩ đến việc chia sẻ với bố mẹ mình. Tương lai, sẽ không có chuyện chúng biết nghĩ về cha mẹ.
4. Bé gây ồn ào nơi công cộng
Bạn đã bao giờ thấy một đứa bé gây ồn ào nơi công cộng? Chúng nhảy nhót trên tàu, hò hét trên máy bay. Trong rạp chiếu phim, chúng nói chuyện lớn tiếng, hay trên bàn ăn, chúng bày đồ ăn bừa bãi. Thật bất lực với những đứa trẻ như vậy. Bạn muốn nổi giận, nhưng rồi mọi người lại nói rằng đó chỉ là một đứa trẻ, thường thì là thế.
Thực chất, luôn có những người bố mẹ cá biệt đằng sau những đứa trẻ cá biệt như vậy. Sự nuông chiều của cha mẹ là nguyên nhân của những đứa trẻ quậy phá, họ luôn tìm lý do cho sự ồn ào, phá phách của trẻ, ví dụ như chúng quá hiếu động, chúng còn nhỏ, chúng chỉ là trẻ con... Nhưng họ quên rằng trẻ càng nhỏ, càng cần có sự giáo dục. Đừng quên, việc gây ồn ào nơi công cộng là việc làm sai.
Trẻ em sinh ra như một tờ giấy trắng, gia đình, môi trường, sự giáo dục có một ảnh hưởng lớn đến bé. Tính cách của một đứa trẻ hình thành từ giai đoạn 3-6 tuổi chính là một giai đoạn cốt yếu, vì thế, cha mẹ càng cần phải chú ý đến điều đó.