Theo các chuyên gia tâm lý học ĐH Harvard, để nuôi dạy một đứa trẻ tốt, phụ huynh cần phải là tấm gương sáng để trẻ noi theo.
Chìa khoá để nuôi dạy một đứa trẻ tốt trong thời đại ngày càng biến ảo khôn lường này không hề phức tạp như bạn nghĩ. Các nhà tâm lý ĐH Harvard đã chỉ ra 5 yếu tố căn bản là:
1. Dành thời gian có chất lượng cho con cái
Nếu chỉ có mặt bên cạnh con thì chưa đủ - bạn cần thực sự ở bên chúng một cách trọn vẹn. Điều này có nghĩa là không một loại máy điện tử nào, không một chiếc điện thoại thông minh nào có thể thay thế sự gắn kết mà con bạn thực sự cần. Bằng cách giao tiếp với con thật cởi mở, lắng nghe thật cẩn trọng và cùng con làm những việc chúng thích, trẻ sẽ yêu bạn hơn và đồng thời học được cách để làm một người biết yêu thương, biết quan tâm.
Hãy hỏi con về một ngày ở trường như thế nào, lắng nghe chăm chú và thảo luận về những rắc rối, khó xử trong đầu chúng. Xem con thích gì và cố gắng học cách chơi những trò chơi mà con thích. Đọc sách cho con trước khi đi ngủ... Chỉ cần ở bên cạnh trẻ một cách trọn vẹn và thấu hiểu cảm xúc của trẻ.
2. Là tấm gương đạo đức, một người cố vấn thông thái cho con
Trẻ học hỏi được nhiều nhất từ môi trường xung quanh, nhất là khi còn bé. Những điều bạn làm là những gì mà trẻ sẽ trở thành. Đó là lý do tại sao bạn nên luôn chú ý, cẩn trọng tới mọi hành động lời nói, đồng thời sẵn sàng thừa nhận sai lầm của mình. Hãy cho con thấy bạn quan tâm và bạn sẵn lòng chấp nhận lỗi lầm để từ đó tìm cách xử lý.
Kết quả bạn mong muốn nhìn thấy ở con mình xuất phát từ nỗ lực chính bạn thực hiện mọi việc ra sao. Hãy thực hành sự công bằng, sự trung thực và sự chăm sóc dành cho bản thân. Hình ảnh này sẽ dạy cho con bạn thói quen tương tự. Chìa khoá cho tất cả chính là việc trò chuyện chân tình với con bạn.
Ý thức được những sai lầm của mình, đặc biệt khi có liên quan tới con và thẳng thắn chia sẻ về chúng. Mục đích là cho con thấy sự khiêm nhường và trung thực. Cũng nhờ đó, trẻ sẽ thấy thoải mái hơn và được khích lệ xem xét tình huống để tìm kiếm những kết quả khả quan hơn, tích cực hơn.
3. Dạy con quan tâm tới người khác và đặt ra những kỳ vọng cao về mặt đạo đức
Kết quả nghiên cứu ở Harvard chỉ rõ: "Điều vô cùng quan trọng là trẻ nghe được từ cha mẹ và người chăm sóc mình rằng, quan tâm tới người khác là ưu tiên hàng đầu và cũng quan trọng như chính hạnh phúc của trẻ".
Hãy thực hiện việc này bằng cách đặt ra những kỳ vọng cao cho con bạn về mặt đạo đức. Sẵn sàng trân trọng sự cam kết của trẻ. Dạy trẻ làm điều đúng đắn ngay cả khi thật khó để làm vậy và luôn là tấm gương cho trẻ. Đơn giản thôi: bạn cần chứng minh bất cứ điều gì bạn nói với con thông qua hành động của mình.
Trách nhiệm và nghĩa vụ là thứ mà bạn luôn cần nhắc nhở con mình. Chúng biểu hiện dưới mọi hình dạng, ngay từ khi trẻ còn nhỏ: đó là việc nhà, trách nhiệm tại trường, bạn bè và những lời hứa.
Hãy đảm bảo rằng bạn nhắc nhở con về việc trẻ không hề đơn độc và rằng, người khác đặt kỳ vọng vào trẻ và trẻ cần sẵn lòng hoàn thành những kỳ vọng đó bởi vì trẻ hoàn toàn có thể làm được.
4. Khích lệ con thực hành sự trân trọng và lòng biết ơn
Một đứa trẻ không hư là đứa trẻ nhận thức được vai trò của người khác trong cuộc sống của mình một cách lành mạnh. Nhận thức này đi kèm với sự trân trọng dành cho những người đã góp phần vào cuộc sống của trẻ.
Lòng biết ơn là con đường hai chiều, ẩn chứa những hiệu ứng tuyệt vời. Người thực hành lòng biết ơn mỗi ngày có khả năng có ích hơn, hào phóng hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn và dễ tha thứ hơn. Họ cũng có xu hướng >sống khỏe và sống lành mạnh hơn.
Hãy để thói quen của con khởi đầu với việc học hỏi từ chính hành động của bạn: Sẵn sàng để thể hiện lòng biết ơn với điều tốt đẹp mà bạn được nhận. Nhưng hãy cẩn trọng, thể hiện quá nhiều biết ơn cho những thứ mà trẻ buộc phải thực hiện sẽ làm hư trẻ.
Các nhà tâm lý học Harvard đã phân tích đó phải là "trách nhiệm thực": "Chỉ khen ngợi những hành động tốt bụng hiếm gặp. Hãy trông đợi các hành động như làm việc nhà, trông em mà không kèm theo thưởng, dần dần chúng dễ trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ hơn".
5. Dạy con nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn
Có một thực tế phổ biến là trẻ đồng cảm và quan tâm tới một vòng tròn nhỏ bao gồm người thân và bạn bè. Thử thách thực sự là bạn phải dạy trẻ bắt đầu nghĩ về những người nằm ngoài vòng tròn đó. Đó là những bạn mới trong lớp, những người làm việc tại trường của trẻ, một người không nói ngôn ngữ với bạn hay bất cứ ai đang sống ở nước ngoài. Trẻ cần biết rằng suy nghĩ và hành động của mình có thể tác động tới cộng đồng như thế nào.
Như nghiên cứu của ĐH Harvard đã chỉ ra: "Điều quan trọng là trẻ học cách nhìn vào chi tiết, lắng nghe thật kỹ và quan tâm tới những người trong vòng tròn tức thời của trẻ, sau đó, nhìn ra toàn cảnh, ngắm bức tranh rộng lớn hơn và quan tâm tới nhiều kiểu người mà trẻ tương tác mỗi ngày".