Mỗi bậc cha mẹ đều mong con mình có khả năng tự lập trong cuộc sống nhưng để làm được điều đó đòi hỏi phải có một quá trình dạy dỗ khá kỳ công. Những cách dạy con tự lập sau đây có thể sẽ giúp nhiều cha mẹ biết mình cần phải làm những gì.
Nhiều người không biết rằng ngay từ nhỏ trẻ đã có thể tự làm nhiều việc nên thường giúp đỡ thậm chí là luôn làm thay trẻ mọi chuyện. Lối suy nghĩ này đã làm hư nhiều đứa trẻ. Cách dạy con tự lập tốt nhất là để con tự làm những việc trong khả năng của mình ngay tại nhà.
1. Dạy con tự vệ sinh cá nhân
Hầu hết những thói quen tốt của trẻ được hình thành từ rất sớm, giai đoạn đầu đời là thời điểm thích hợp để rèn cho con những thói quen này. Hãy bắt đầu bằng thói quen vệ sinh cá nhân.
Khi trẻ nhỏ 3 tuổi, cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy con cách đánh răng, mặc quần áo nhưng khi con lớn hơn 3 tuổi, cha mẹ chỉ nên giúp đỡ trẻ chứ không nên làm thay con vì khi trẻ hơn 3 tuổi là chúng có khả năng tự vệ sinh cá nhân được rồi.
2. Dạy con cách chăm sóc bản thân
Từ việc tự biết vệ sinh cá nhân, trẻ sẽ hình thành được ý thức chăm sóc bản thân mình nhất là khi gặp phải những sự cố mà không có người lớn ở bên cạnh.
Khi trẻ đạt 4, 5 tuổi nên dạy trẻ một số thông tin như số điện thoại, địa chỉ, tên nơi ở và một số cách để sơ cứu bản thân khi cần thiết như cách cầm máu, cách kiểm tra hơi thở,...
3. Dạy con kỹ năng phòng vệ, kỹ năng sinh tồn
Tuy trẻ còn khá vụng về và yếu đuổi trước những tình huống nguy hiểm nhưng ta có thể dạy con cách phòng vệ như: không để người lạ tiếp cận khi ở nhà một mình, không tự ý bỏ đi chơi khi không có sự đồng ý của người lớn hay một số kỹ năng thoát hiểm, tránh những nơi nguy hiểm có lửa, điện, nước,...
4. Dạy con biết điều chỉnh cảm xúc
Khi cha mẹ Nhật dạy con tự lập, họ rất chú trọng đến vấn đề điều chỉnh cảm xúc của con mình. Đó là lý do ta luôn nhìn thấy được ở người Nhật một phong thái bình tĩnh trước mọi tình huống, ngay cả trong những thảm họa khốc liệt.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ Nhật đã dạy con mình biết cách tôn trọng người khác, họ cho rằng một đứa trẻ có thể nghịch ngợm ở nơi công cộng do tính hiếu kì nhưng khi đứa trẻ quậy phá không có ý thức thì lỗi là do người lớn không biết cách dạy con mình.
5. Dạy con cách chia sẻ, giúp đỡ
Muốn dạy con tự lập từ sớm nhưng không tư hữu cá nhân, không ích kỷ đòi hỏi cha mẹ phải rèn con mình cách chia sẻ, giúp đỡ người khác. Đó cũng là một trong những cách dạy con tự lập của người Nhật.
Hãy bắt đầu hình thành thói quen đó cho con bằng cách trao yêu thương và đón nhận lại yêu thương từ con mình. Dạy con cách chăm sóc cha mẹ, ông bà, người thân, chia sẻ những món đồ chơi, những phần ăn cho người xung quanh,...
6. Rèn kỹ năng xã hội và cách cư xử
Trẻ hơn 3 tuổi đã bắt đầu ý thức được nhiều điều, trong đó có việc phân biệt người lớn tuổi, người trong gia đình, người ngoài gia đình cũng như phân biệt được nhà mình và những nơi công cộng. Do vậy, từ việc dạy con cách điều chỉnh cảm xúc dần dần sẽ rèn con cách ứng xử với người lớn, cách tôn trọng, lễ phép với người lớn.
7. Dạy con cách xác định phương hướng
Kỹ năng xác định phương hướng cũng là một trong những kỹ năng sinh tồn cần phải dạy cho con để con tự thoát khỏi những tình huống nguy hiểm.
Đầu tiên nên để trẻ phân biệt được hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, sau đó là hướng mặt trời mọc, mặt trời lặn. Dần dần dạy trẻ cách liên tưởng, lấy chính ngôi nhà của mình để làm ví dụ thực tiễn.
8. Dạy con tự làm việc nhà
Trẻ có thể tự làm một số công việc nhà đơn giản như: quét nhà, lau nhà. Những trẻ 6 tuổi còn có thể rửa chén, đĩa, gấp quần áo, nấu ăn, đi chợ,...
Theo một số nghiên cứu, trẻ hơn 2 tuổi đã có khả năng phân biệt các loại rau, củ, quả nên cha mẹ hãy để con quan sát mình làm việc nhà kết hợp dạy con cách làm an toàn ngay từ khi trẻ lên 2 tuổi.
9. Dạy con cách quản lý thời gian
Khi trẻ bắt đầu đi học đã phải rèn cho con thói quen quản lý thời gian của bản thân, con phải biết được những khung giờ quan trọng và tự giác chủ động chuẩn bị việc cá nhân của mình như việc dạy vệ sinh cá nhân mỗi buổi sáng, việc đi học đúng giờ, xem ti vi trong thời gian quy định,... Mọi thứ nên rèn con sự tự giác, không nhắc nhở nhiều mà để con tự chịu trách nhiệm thì ý thức tự giác của trẻ mới cao.
Ngoài ra, khi trẻ đến độ tuổi vị thành niên thì có thể giao cho con tự nấu nướng, đi chợ, quản lý tiền và cách tiêu tiền hợp lý dưới sự kiểm soát của cha mẹ.
Một điều quan trọng góp phần vào sự thành công trong cách dạy con tự lập là bạn không nên lo lắng thái quá, hãy trao quyền cho con và tin tưởng, động viên, khích lệ chúng. Ở mỗi độ tuổi nhất định, con có thể làm tốt rất nhiều việc mà bạn không thể ngờ.