Mẹ Việt ở Đức cho biết, dạy con tính tự lập được bố mẹ người Đức đặc biệt coi trọng.
- Mẹ kiện trường mẫu giáo vì dạy con... biết chữ: Câu chuyện thay đổi cả nền giáo dục nước Mỹ
- 7 sai lầm cha mẹ thường mắc khi dạy con mà chính bản thân họ không hay biết!
Từ 0 đến 6 tuổi là khoảng thời gian quan trọng giúp trẻ em hình thành nhân cách. Tuy vậy, không ít cha mẹ Việt vì quá chiều chuộng hoặc thiếu thốn thời gian nên lơ là việc dạy con ở độ tuổi này.
Bên cạnh đó, quan điểm giáo dục sai lầm của họ cũng khiến con trẻ thiếu kỹ năng sống, khó tránh khỏi va vấp khi rời vòng tay cha mẹ. Dạy dỗ con cái đúng cách theo từng độ tuổi là điều quan trọng các bậc phụ huynh cần học hỏi.
Bé gái Trung Quốc 4 tuổi được mẹ dạy cầm dao nấu ăn, rửa bát với lý do: “việc nấu cơm liên quan rất lớn đến cuộc sống…”. Bé trai Mỹ 6 tuổi được mẹ dạy làm việc nhà bởi “biết đâu con sẽ sống độc thân” và “một người đàn ông nghĩ rằng mình không bao giờ phải nấu ăn thì chắc chắn từng là một cậu bé không được dạy dỗ tốt”…
Những câu chuyện về quan điểm giáo dục con cái của các bà mẹ ngoại quốc khiến nhiều người suy ngẫm.
“Ngoài dạy con tự lập, bố mẹ chẳng cho con được gì quý giá hơn”
15 năm sống và làm việc ở Đức, chị Lê Bảo Ngọc (Đà Nẵng) học hỏi được nhiều điều từ cách dạy con của phụ huynh nơi đây.
Chị cho hay, bố mẹ người Đức quan niệm, dạy chữ là việc của nhà trường, về nhà, bố mẹ chỉ dạy con những thứ nấu nướng, làm việc nhà, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn…
Trong đó, tính tự lập là thứ được bố mẹ người Đức đặc biệt coi trọng bởi, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em nơi đây đã được quyền quyết định những việc trong khả năng như: Ăn, mặc, chơi và học. Khi đi siêu thị, bố mẹ muốn mua thứ gì cho con phải hỏi ý kiến trước, con thấy hài lòng mới mua về.
Trẻ lên lớp một đã được bố mẹ dạy cách tiêu tiền, mua hàng. Mỗi bé được giao cho một bộ mẫu tiền giấy, sau đó cùng bạn bè học cách mua bán, chi tiêu. Điều này giúp trẻ biết cách quản lý tiền nong ngay từ nhỏ.
“Tôi từng chứng kiến cảnh trẻ 5, 6 tuổi tự vác chiếc cặp to đùng lên lớp, bố mẹ chúng chỉ đứng nhìn. Có lần, tôi thấy một đứa bé ngã sưng tấy đầu nhưng không kêu khóc, chỉ lẳng lặng chạy đến chỗ tủ lạnh lấy túi chườm rồi tự chườm. Trẻ ở đây, trước khi ăn phải bày thìa, nĩa cho mọi người, ăn xong tự đem bát đĩa đến bồn rửa, rồi quay lại lau bàn… Mọi thứ trong khả năng chúng đều phải tự làm”, chị Ngọc kể.
Bà mẹ trẻ cho biết thêm, ở Đức, việc rèn kỹ năng sống cho trẻ được coi trọng hơn dạy chữ. Con gái chị, học đến mẫu giáo lớn vẫn không biết một chữ a, b… nhưng ngược lại, rất giỏi những kỹ năng khác như: bơi lội, đạp xe…
Trường tiểu học ở Đức quy định, trẻ vào lớp một phải biết đi xe đạp, tốt nghiệp lớp một phải có bằng lái xe đạp. Lên lớp bốn, học sinh sẽ được xa nhà một tuần, trong thời gian đó bé sẽ được tìm hiểu về rừng núi và vùng nông thôn.
“Gia đình và nhà trường kết hợp chặt chẽ như vậy đều nhằm mục đích, giúp trẻ xử lý tốt mọi tình huống”, chị Ngọc chia sẻ.
Sợ khi thấy cảnh bố mẹ Việt chiều con
Bạn bè đồng trang lứa đã nô nức vào lớp 1 học chữ, học số nhưng chị Lips (hiện đang sống tại Hà Lan) vẫn để cậu con trai 6 tuổi của mình ở lại mẫu giáo bởi: “Tôi biết con mình chưa sẵn sàng”.
Bà mẹ Việt kiều cho hay, chị không sợ con mình thua kém bạn bè một, hai năm học… mà chỉ lo con chưa đủ tự tin giao tiếp cùng thầy cô, bạn bè. Cho đến khi con trai thật sự sẵn sàng, chị mới để con tiếp xúc với thế giới kiến thức rộng lớn.
Kỳ thực, tại Hà Lan, việc rèn luyện trí tuệ cũng không phải là thứ được coi trọng nhất. Thời kỳ mẫu giáo, trẻ chỉ được làm quen với mặt chữ (chưa ghép chữ) và tính cộng trừ từ 1 đến 20. Thời gian còn lại, trẻ được học đàn, hát, múa và đặc biệt là luật giao thông.
“Nhiều hôm vội, tôi cố tình vượt đèn vàng và bị con trai nhắc nhở, dần dần, nó trở thành “đèn báo giáo thông” của tôi. Trẻ ở đây được học nhiều thứ như gấp quần áo, vệ sinh cá nhân … Đôi lúc, tôi thấy lạ khi mình không nhắc nhở gì con vẫn tự đánh răng, thay quần áo ngủ và lên giường đúng giờ; ăn mà bị rơi vãi là tự lấy máy hút bụi dọn sạch…”, chị Lips kể.
Bà mẹ Việt kiều hồ hởi khoe, con trai của chị 6 tuổi đã biết đặt cơm cho mẹ, ăn xong xếp ngay ngắn bát đũa vào máy rửa bát, biết hót rác, đổ rác và tưới rau, hái quả. Cậu bé có được ý thức tự giác như vậy một phần nhờ nhà trường nghiêm khắc dạy dỗ, phần khác luôn được mẹ hướng dẫn làm việc nhà.
Về Việt Nam chơi, chị Lips từng nhiều phen “choáng váng” trước cách dạy dỗ của phụ huynh Việt. Nhiều đứa trẻ lớn đùng nhưng không biết làm những việc đơn giản như nhặt rau, cắm cơm, quét nhà… Thậm chí, ngay cả việc hôm nay đi học mặc gì cũng phải nhờ mẹ chọn giúp.
“Tôi từng năn nhỉ một bà chị có con nhỏ là làm ơn đừng mua kẹo, bánh ngọt cho nó nữa, nó quá mập rồi, đừng chiều chuộng như vậy. Con ngã, thì cứ bơ đi, để nó tự đứng lên đi tiếp, chỉ khi biết chắc nó đau thì mới đến đỡ. Có thế, sau này chúng mới tự lập được”, chị Lips chia sẻ.