Hiện tượng xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em đang là những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Những nguyên tắc cơ bản sẽ giúp trẻ tránh bị kẻ xấu đe dọa và lạm dụng.
Trẻ em như búp trên cành, nhưng đôi khi có những kẻ xấu lại lợi dụng và nhẫn tâm ra tay xâm hại chính những búp măng non khi chúng chưa có đủ khả năng tự vệ. Đây là tội ác không thể tha thứ và sẽ bị nghiêm trị bởi pháp luật.
Tuy nhiên, để phòng tránh trường hợp trẻ bị kẻ xấu lợi dụng và xâm hại khiến cả trẻ và gia đình rơi vào tình thế "mất bò mới lo làm chuồng", cha mẹ các bé là những người thân gần gũi và đáng tin cậy nhất, hãy dạy cho các em những kiến thức và nguyên tắc "bất thành văn" sau đây để vừa bảo vệ chính bản thân trẻ vừa hạn chế nguy cơ kẻ xấu có cơ hội lợi dụng xâm hại trẻ:
1. Con được quyền phản kháng và đánh lại kẻ xấu
Một phụ nữ tên là Bre Lasley đã thoát khỏi tên tội phạm hiếp dâm chỉ trong gang tấc do chị đã kiên cường đánh trả và chạy thoát. Đại diện tổ chức Active Response Training - chuyên tổ chức các lớp đào tạo kĩ năng tự vệ tại Mỹ cho hay: "Hầu hết các nghiên cứu đã chứng minh hành động phản kháng có tác dụng to lớn trong việc ngăn chặn tội phạm. Điều này cũng đúng trong trường hợp phụ nữ, trẻ em bị tấn công, lạm dụng, xâm hại. Phụ nữ nếu biết cách phản kháng sẽ có gấp đôi cơ hội thoát thân."
Cha mẹ nên hướng dẫn bé kĩ năng tự vệ và thoát thân khi gặp kẻ xấu, có ý đồ xâm hại bé. Kĩ năng tự vệ bằng cách đánh lại kẻ tấn công và giữ an toàn cho bản thân sẽ giúp bé có cơ hội thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
2. Con không nên tiết lộ nhiều thông tin cho người ngoài
Khi nhắc đến lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em, Tổ chức phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục RAINN báo cáo chỉ có 28% số vụ tấn công tình dục là do người lạ gây ra, còn lại thủ phạm đều là những người có quen biết với trẻ. Những kẻ đóng mác người thân, người quen sẽ lợi dụng cơ hội và các thông tin quen thuộc với bé như địa chỉ nhà, tên bố mẹ, địa điểm vui chơi… để dụ dỗ bé. Kẻ xâm hại có thể cho bé kẹo, đồ chơi và rủ đi xem phim, đi chơi nhưng lại yêu cầu trẻ không được nói với bố mẹ và người thân trong gia đình. Đây là những tín hiệu xấu, cảnh báo âm mưu đen tối nào đó có thể xảy ra với các bé.
Cha mẹ cần tạo bầu không khí trung thực và thoải mái trong gia đình để các bé có thể nói ra những "bí mật" hoặc sự việc xảy ra xung quanh bé. Ngoài ra, bé cũng cần được nhắc nhở về việc không nên tiết lộ thông tin cho người ngoài, khi làm gì, đi đâu với ai cần được sự cho phép của cha mẹ để tránh trường hợp kẻ xấu dùng thông tin trong gia đình để dụ dỗ bé.
3. Cha mẹ luôn là người yêu thương con và giúp con vượt qua khó khăn
Một nguyên tắc cơ bản đó chính là cho trẻ thấy tình yêu thương của cha mẹ và gia đình, kể cả khi con mắc lỗi, cha mẹ cũng sẽ là người giúp con định hướng và vượt qua những sai lầm đó. Sẽ thật đáng buồn nếu >trẻ bị xâm hại mà trước đó không dám nói cho cha mẹ những nguy cơ đang rình rập trẻ chỉ vì lo lắng sẽ bị phạt, bị mắng.
4. Luôn xin ý kiến cha mẹ khi đi ra ngoài bất kể đi cùng với ai
Như đã nói ở trên, 28% số vụ tấn công tình dục là do người lạ gây ra, còn lại thủ phạm đều là những người có quen biết hoặc ở xung quanh trẻ. Một điều tuyệt đối cha mẹ cần dạy trẻ đó là khi đi đâu với bất cứ ai đều phải xin phép và được sự đồng ý của cha mẹ. Cho dù con đi ra ngoài với người quen nhưng sự an toàn vẫn là điều quan trọng nhất. Cha mẹ phải luôn được biết con đang ở đâu, làm gì và với ai.
5. Cho dù có chuyện gì xảy ra, nhà vẫn là nơi để con về
Nguyên tắc này nhắc nhở trẻ rằng gia đình luôn dang rộng vòng tay đón con quay về. Bỏ nhà hoặc đi lang thang không phải là giải pháp cho bất kể chuyện gì. Không có lí do gì khiến con không được phép về nhà và giấu giếm cha mẹ.
6. Giúp con tiếp cận công nghệ một cách thông minh
Một nghiên cứu liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em đã báo cáo cứ 3 vụ xâm hại thì có 1 vụ trong đó kẻ tấn công sử dụng các thiết bị điện tử, mạng xã hội để kết nối, tìm kiếm thông tin và liên hệ với trẻ. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của công nghệ thông tin, nhưng nếu không kiểm soát và định hướng đúng cho trẻ thì những kẻ xấu rất dễ có cơ hội làm hại trẻ. Chính vì vậy, nguyên tắc này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin cùng trẻ sao cho phù hợp mà vẫn đảm bảo an toàn.
Cha mẹ hãy khéo léo biến công nghệ thông tin thành 1 phần cuộc sống của cả gia đình chứ không phải riêng trẻ. Hãy nói cho trẻ những nguy cơ có thể xuất hiện khi trẻ sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ. Tình yêu dành cho con là vô điều kiện, cha mẹ hãy vừa là người thầy, vừa là người bạn đồng hành cùng con. Có như vậy, nguy cơ con bị xâm hại sẽ giảm xuống đáng kể.