Tương lai của con trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các bậc phụ huynh mắc phải những sai lầm dưới đây trong việc dạy dỗ con cái.
1. Trách mắng con ở nơi công cộng
Đôi khi ở nơi công cộng, trẻ em thường hành xử không đúng với những điều được dạy hoặc gây nguy hiểm như đột nhiên chạy ra đường. Và lúc đó, cha mẹ theo bản năng sẽ sợ hãi và giận dữ, sau đó là mắng con cái của mình để ngăn chặn hành vi này sẽ không lặp lại. Điều quan trọng là bố mẹ nên giữ thể diện cho con cái trước mặt người khác bởi vì chúng sẽ xấu hổ khi bị trách phạt chỗ đông người và khiến trẻ thêm mặc cảm, tự ti hơn trước những người chứng kiến đặc biệt là bạn bè của trẻ.
Theo Tiến sĩ Erica Reischer, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách What Good Parents Do: 75 Simple Strategies for Raising Kids Who Thrive (Tạm dịch: Cha mẹ tốt cần làm gì: 75 chiến lược đơn giản >nuôi dạy con cái thành công) cho rằng thay vì trách mắng con bạn ngay tại chỗ, hãy đưa chúng đến một nơi riêng tư, bạn có thể nói chuyện với các con về hành vi cư xử tồi tệ của chúng và khi không có sự tò mò của những người xung quanh, bọn trẻ sẽ tập trung hơn vào những gì mà bạn dạy bảo.
2. Đưa ra những hướng dẫn không rõ ràng
Nhiều bậc cha mẹ chỉ nói vài từ khi đưa ra hướng dẫn hoặc dùng những từ chung chung trong nhiều tình huống khác nhau làm cho trẻ đôi khi bối rối. Chẳng hạn khi bạn nói với các con "hãy cư xử đúng đắn" điều này có nghĩa là trong trường hợp chơi với những đứa trẻ khác thì chia sẻ đồ chơi và khi xem phim thì ngồi yên một chỗ, không được nghịch ngợm. Tuy nhiên, trẻ em không phải lúc nào cũng hiểu những gì mà bố mẹ yêu cầu và do đó không làm theo những gì bạn mong đợi.
Để điều này không xảy ra, quan trọng là bố mẹ cần cung cấp cho con những hướng dẫn rõ ràng nhất có thể trong các tình huống khác nhau, và cũng để cho chúng biết những gì nên làm và không nên làm.
Ví dụ nếu con của bạn vứt áo trên sàn khi chúng bước vào nhà. Bạn sẽ nói với con rằng không được vứt áo khoác trên nền nhà và chỉ rõ ràng tại sao không nên làm như vậy. Nhưng trẻ có thể bị bối rối vì bạn không đưa ra cho chúng sự chỉ dẫn thay thế và bạn nên nói rằng: "Khi con vào trong nhà, cởi áo khoác ra, rồi con phải treo nó lên trên giá áo khoác". Bằng cách này bạn sẽ chỉ rõ những điều mà mình muốn con thực hiện và có thể tránh được tâm trạng không tốt cho cả hai.
3. Hối lộ bằng cách mua quà để con chấm dứt hành động một cách nhanh chóng
Bạn mệt mỏi sau một ngày làm việc, khi về nhà thì con của bạn lại không chịu ăn tối. Mọi cha mẹ đều gặp tình huống này và thường hứa rằng sẽ cho chúng ăn món chúng thích như kem nếu con kết thúc bữa ăn nhanh chóng. Điều này xảy ra ngay cả khi con khóc lóc, làm nũng với cha mẹ trong các cửa hàng, và cha mẹ sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn hành vi xấu hổ này bằng các món quà hối lộ trong hoàn cảnh không thoải mái.
Mặc dù điều này có thể mang đến kết quả nhanh chóng nhưng trẻ em sẽ nghĩ rằng chúng sẽ có những gì mà chúng muốn khi có cách hành xử không đúng và tiếp tục vòi vĩnh cha mẹ. Vì vậy, hãy tránh làm theo cách này và làm rõ cho con hiểu rằng những hành vi không đúng đắn là không thể chấp nhận và nếu như chúng tiếp tục tái phạm, chúng sẽ bị phạt. Làm theo cách này, theo thời gian, con bạn sẽ học được các quy tắc và cách ứng xử trong các tình huống khác nhau.
4. Thường sao nhãng cơn đói và mệt mỏi của con cái
Người lớn thường khó tập trung khi họ đói hay mệt mỏi và thay vào đó, họ sẽ nghỉ ngơi và ăn một chút đồ ăn nhẹ để lấp đầy dạ dày. Điều này cũng ảnh hưởng tương tự tới trẻ em. Bạn cần phải hiểu được nguyên nhân khiến đứa trẻ làm bạn thất vọng khi có cách hành xử vốn không phải là tính cách của con.
Chẳng hạn như, khi con của bạn tranh giành đồ với anh trai, Tiến sĩ Reischer khuyên bạn rằng nên thừa nhận việc làm sai của con "Mẹ thấy con lấy đồ chơi từ tay của anh trai" rồi hỏi rằng "Con đói rồi phải không? Chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau khi ăn một chút gì đó nhé".
Phương pháp này được gọi là "trì hoãn kỷ luật", cho phép bạn nói chuyện với các con về hành vi của trẻ khi chúng tập trung, có nghĩa là sau khi ăn hoặc ngủ trưa. Vì vậy khi mà các con có hành vi không phù hợp thì trước tiên hãy kiểm tra xem con đói hay mệt, quan tâm đến các nhu cầu của con rồi sau đó mới nói về hành vi tiêu cực của chúng.
5. Nói quá nhiều
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khoảng thời gian chú ý ngắn hơn người lớn, do vậy không phải lúc nào cũng có thể lắng nghe cha mẹ dạy dỗ về cách hành xử. Ngoài ra, việc nói quá nhiều cũng khiến cho con chán nản và cách tốt nhất là nên nói ngắn gọn và dứt khoát.
6. Nổi giận
La mắng con cái có thể giúp bố mẹ giải tỏa được những thất vọng nhưng không có ích trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Việc này có thể dẫn đến hai kết quả sau đây. Thứ nhất là trẻ sẽ đóng sập cửa và không nghe những gì mà cha mẹ nói và thứ hai là trẻ sẽ tức giận và phản ứng dữ dội.
Để con của bạn hiểu được khi chúng làm sai một số việc thì cố gắng không nói lớn tiếng mà hãy nói với giọng bình tĩnh. Nếu cần một vài phút để thư giãn thì hãy đi ra chỗ khác và hít thở sâu trước khi nói chuyện với các con. Cách này sẽ không có kết quả nhanh nhưng qua thời gian, bạn sẽ nhìn thấy được sự khác biệt đáng kể.
7. Thực hiện những việc làm cá nhân
Thực hiện những việc làm cá nhân cũng khiến cho bố mẹ dành ít tình yêu thương cho các con, làm suy yếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, điều quan trọng là duy trì tình yêu thương và chỉ rõ với các con rằng giữa bố mẹ và con cái nên có sự tôn trọng lẫn nhau.
8. So sánh con mình với những đứa trẻ khác
Đôi khi bố mẹ muốn con cái nhìn thấy được chúng nên cư xử như thế nào bằng việc so sánh với những đứa trẻ khác. Nói với con cái về những điều bạn kỳ vọng ở chúng là tốt nhưng phải được thực hiện với sự tôn trọng chứ không phải bằng cách so sánh.
Khi bố mẹ so sánh hành vi của con mình với những đứa trẻ khác, chúng sẽ cảm thấy xấu hổ, tức giận và bực bội. Tuy nhiên, bố mẹ thường không quan tâm đến điều này. Thay vì so sánh với đứa trẻ khác thì bạn nên giải thích những gì bạn muốn con làm, và khi con hoàn thành thì hãy khen ngợi chúng để trẻ phát triển sự tự tin.
9. Phạt quá nặng
Nhiều cha mẹ thừa nhận rằng bản thân đã trừng phạt con cái trong lúc tức giận. Tuy nhiên hình phạt trong thời điểm đó thường không công bằng và quá mức so với những gì con cái đáng phải chịu. Do đó, phạt con cái trong lúc tức giận và chán nản là phương pháp không được khuyến khích.
Thay vào đó, bạn nên viết những quy tắc rõ ràng trong gia đình để con biết mình sẽ gánh hậu quả như thế nào khi con làm sai. Điều này giúp cho trẻ điều chỉnh hành vi và đồng thời cũng tránh các hình phạt quá mức do cha mẹ đưa ra ngẫu nhiên vì sự tức giận.
10. Thiếu sự nhất quán
Một trong những điều quan trọng trong việc nuôi dưỡng trẻ em là sự nhất quán. Nếu có hôm cha mẹ la mắng về một việc sai mà con làm, nhưng hôm khác lại bỏ qua, con sẽ học được rằng phản ứng của người lớn là không thể đoán trước được.
Vì vậy khi bạn phạt một hành động nào đó không tốt của con, khi con tiếp tục tái phạm thì đừng bỏ qua, hãy kỷ luật con giống như lần phạt trước. Bởi vì nếu bạn kỷ luật không nhất quán sẽ làm cho trẻ bối rối và đưa đến những thông điệp khiến trẻ hiểu sai.