Chân giò lợn giàu cơ, xương và mô mềm, có thể chế biến nhiều món ăn có hương vị thơm ngon.

15:26 22/01/2024

Chân giò chứa nhiều protein và chất béo, ít carbs và chất xơ. Theo một số chuyên gia, chân giò heo chứa nhiều protid, chất béo, phốt pho, sắt, vitamin B1, B2, B3 và collagen... Các chất >dinh dưỡng này tác dụng giúp bổ huyết, sinh cơ liền sẹo, giúp da đẹp và căng hơn, phòng bệnh thiếu máu não...

Tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, chân giò là loại nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong số đó, món >chân giò hầm thuốc bắc được ưa chuộng hơn cả, đặc biệt trong những ngày trời se lạnh.

Sự kết hợp giữa thịt chân giò và gia vị thuốc bắc tạo nên một món ăn hoàn hảo, bổ dưỡng, phù hợp với tất cả lứa tuổi từ trẻ nhỏ cho đến người nhà, đặc biệt hiệu quả đối với những người mới ốm dậy.

Chân giò là nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: Internet

Dưới đây là công thức nấu món chân giò hầm thuốc bắc mềm ngon, bổ dưỡng:

Nguyên liệu:

- Chân giò heo: 1kg

- Thuốc bắc gồm các vị: hạt sen, cao kỳ tử, thục địa, kim châm, táo tàu, hoài sơn, nhãn nhục. (Bạn có thể tìm mua gói thuốc bắc tổng hợp ở chợ hoặc mua riêng từng loại)

- Nấm đông cô (nấm hương): 100g

- Hạt sen tươi: 100g

- Cà rốt: 1 củ

- Củ năng: 1 củ

- Dừa xiêm: 1 quả

- Hành tây: 1/4 củ

Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, muối, dầu ăn, nước tương, gừng, hạt tiêu 1 chùm tiêu xanh (không bắt buộc)

Các nguyên liệu cho món chân giò hầm thuốc bắc không hề khó tìm. Ảnh: Internet

Cách làm:

1. Sơ chế chân giò

Đầu tiên, bạn sử dụng dao cạo sạch lông và các lớp biểu bì còn dính trên da, pha sẵn một thau nước muối loãng, sau khi chân giò được cạo sạch thì rửa lại với nước muối. Việc rửa nước muối sẽ giúp chân giò heo thêm phần trắng hơn cũng như giúp khử mùi tốt hơn. 

Đặc biệt lưu ý chà rửa thật kỹ phần móng heo, vì đây là phần nhiều da chết và bụi đất nhất. Khi đã rửa sạch chân giò, bạn cần hơ chân giò cho cháy xém. Bạn có thể sử dụng đèn khò để tiết kiệm thời gian, hoặc quấn giò heo vào giấy bạc sau đó bật bếp nướng.

2. Sơ chế phần thuốc bắc và các nguyên liệu khác

Hành tây băm nhỏ, cà rốt, củ năng bóc vỏ, cắt miếng vừa ăn. Nấm đông cô rửa sạch, cắt đôi. Hạt sen tươi rửa sạch, ngâm nước muối loãng trong 10 phút rồi vớt ra để ráo nước.

3. Hầm chân giò cùng thuốc bắc

Đun nóng chảo, cho dầu ăn vào, cho hành tây vào phi thơm. Cho chân giò vào xào sơ, cho nước tương, bột ngọt, hạt nêm, hạt tiêu vào xào đều. Cho nước vào đun sôi, cho các loại thuốc bắc vào, đun sôi lại cho đến khi chân giò mềm. Sau đó cho cà rốt, củ năng, nấm đông cô vào hầm tiếp khoảng 10 phút. Cuối cùng cho hạt sen tươi vào hầm khoảng 5 phút. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Thành phẩm: Cho chân giò hầm thuốc bắc vào tô, rắc thêm hành lá, rau xà lách xoong và tiêu xanh lên trên, dùng nóng với cơm trắng.

Chúc bạn thành công với món chân giò hầm thuốc bắc.

Theo Tổ Quốc