Hãy cùng tìm hiểu cách làm lạp xưởng vừa ngon lại an toàn vệ sinh thực phẩm cho gia đình mình thưởng thức dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhé.

Hải Anh 11:06 18/12/2024

Lạp xưởng là một> món ăn quen thuộc và ngon miệng với rất nhiều người và dù là dịp lễ Tết. Lâu nay chúng ta vẫn thường mua lạp xưởng được bán sẵn trên thị trường và đôi khi mua phải hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Vậy thì hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách làm lạp xưởng vừa ngon lại an toàn vệ sinh> thực phẩm cho gia đình mình thưởng thức dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhé. 

Có một điều bạn cần đặc biệt chú ý để làm lạp xưởng thơm ngon, chuẩn vị đó là: Xác định lượng muối chính xác. Điều này rất quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến mùi vị của lạp xưởng mà còn quyết định thời gian bảo quản là bao lâu. Qua cách làm dưới đây bạn sẽ có bộ công thức cũng như mẹo chi tiết để làm món lạp xưởng ngon thành công.

1. Lượng muối thích hợp để làm lạp xưởng

Khi làm lạp xưởng, lượng muối sử dụng liên quan trực tiếp đến hương vị và thời hạn sử dụng của nó. Nói chung, tỷ lệ muối nên được xác định dựa trên sở thích cá nhân và lượng thịt. Theo gợi ý của các đầu bếp lâu năm, khi làm khoảng 10 cân thịt, lượng muối sử dụng thường cần từ 200-250 gam. Tỷ lệ này không chỉ đảm bảo độ mặn của lạp xưởng ở mức vừa phải mà còn đóng vai trò bảo quản lâu dài tránh bị hỏng.

Tất nhiên, nếu bạn thích lạp xưởng mặn hơn thì có thể tăng lượng muối cho phù hợp nhưng không nên quá 300g, nếu không có thể ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn và mùi vị của các gia vị khác. Hơn thế cho nhiều muối quá cũng không tốt cho >sức khỏe. 

2. Cách làm lạp xưởng 

Nguyên liệu chuẩn bị: 10kg thịt lợn (7 cân thịt vai và 3 cân thịt ba chỉ). Nên chọn thịt có 7 phần nạc và 3 phần mỡ), 200-250g muối, 150-200g đường, 30g bột ngọt hoặc tinh chất cốt gà, 50g nước tương, 150g rượu mai quế lộ trắng (hoặc rượu gạo), 45g bột ngũ vị hương, 6g bột thảo quả trắng (tùy thích), 10g bột tiêu trắng, 10g bột thì là (tùy thích), lượng thích hợp lòng non lợn đã sơ chế và khử trùng bằng rượu trắng (hoặc bạn có thể dùng vỏ collagen làm lạp xưởng).

Các bước chi tiết làm lạp xưởng

Bước 1 - Thái thịt: Sau khi rửa sạch thịt lợn, bạn dùng khăn bếp thấm khô nước. Sau đó cắt thịt lợn thành từng dải hoặc miếng rộng khoảng 1cm và dài 3-5cm để ướp. Hoặc nếu bạn muốn quá trình nhồi lạp xưởng dễ hơn thì có thể cắt thịt lợn thành dạng hạt lựu. Bạn không nên xay nhỏ thịt vì thành phẩm sẽ kém ngon hơn.

Bước 2 - Ướp: Cho thịt lợn đã cắt miếng vào chậu lớn, thêm muối, đường, bột ngọt, nước tương, rượu mai quế lộ (hoặc rượu gạo), bột ngũ vị hương, bột bạch đậu khấu (tùy thích), tiêu trắng (tùy thích), bột thì là (tùy thích), trộn đều rồi ướp ít nhất 2 tiếng. Tốt nhất bạn ướp qua đêm để thịt thấm hết hương vị từ gia vị. 

Bước 3 - Chuẩn bị vỏ: Cho ruột non đã sơ chế sạch vào tô, thêm một lượng nước thích hợp và lượng nhỏ rượu trắng nồng độ cao rồi ngâm trong 10 phút để khử trùng đồng thời làm mềm. Sau khi ngâm, bạn để ruột non dưới vòi nước và xối sạch bên trong để đảm bảo thuốc lớp vỏ lạp xưởng trắng trong, không còn hôi/tanh. Sau đó thắt chặt một đầu lại. Bạn có thể dùng vỏ collagen để làm vỏ cho món ăn sẽ tiện lợi hơn.

Bước 4 - Nhồi lạp xưởng: Chuẩn bị dụng cụ nhồi lạp xưởng (hoặc bạn cắt đôi chai nước khoáng nhỏ, lấy phần miệng làm phễu). Sau đó bạn nhồi thịt lợn đã ướp vào vỏ. Chú ý đến lượng và tốc độ làm đầy để tránh làm vỡ vỏ. Dùng đũa sạch ấn từ từ xuống để nhân thịt có thể lấp đầy vào vỏ. Sau đó bạn dùng tay nắn nhẹ vào vỏ để đẩy hết không khí ở các khe thoát ra ngoài và đồng thời điều chỉnh hình thức của lạp xưởng tròn đều.

Bước 5 - Phân đoạn và thắt nút: Sau khi đã nhồi đầy phần nhân thịt vào vỏ, bạn dùng tay kẹp từng đoạn để tách thịt ra hai bên. Dùng các dây buộc các nút thắt ở những vị trí thích hợp để chia lạp xưởng thành nhiều đoạn. Độ dài của từng phần lạp xưởng có thể được điều chỉnh theo sở thích cá nhân.

Bước 6 - Xả khí: Sau khi hoàn thành bạn dùng kim hoặc đầu tăm nhỏ chọc vài lỗ trên từng phần lạp xưởng để đẩy không khí thoát ra ngoài, tránh khiến lạp xưởng bị vỡ trong quá trình sấy hoặc nấu.

Bước 7 - Phơi khô: Treo lạp xưởng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và mưa. Thời gian phơi tùy thuộc vào thời tiết và kích thước của lạp xưởng nhưng thông thường phải mất từ 7-15 ngày. Trong quá trình phơi, lạp xưởng sẽ mất dần độ ẩm, có màu sẫm hơn và kết cấu chắc hơn.

Những điều cần lưu ý

1. Khi làm lạp xưởng, đảm bảo tất cả dụng cụ và hộp đựng đều được rửa sạch và khử trùng để tránh nhiễm khuẩn.

2. Khi phơi lạp xưởng nên chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và môi trường có nhiệt độ cao, đồng thời đảm bảo môi trường sấy sạch sẽ, hợp vệ sinh để tránh bị nhiễm bụi, mùi hôi...

3. Điều chỉnh lượng và loại gia vị theo sở thích cá nhân để đạt được hương vị ngon nhất. Hãy thử thêm các loại gia vị khác nhau để tạo ra món xúc xích có hương vị độc đáo.

Bằng cách làm theo các bước trên, bạn có thể dễ dàng làm lạp xưởng thơm ngon vào dịp Tết này. Như vậy là gia đình sẽ được thưởng thức món ăn ngon miệng, tốt cho sức khỏe. Hi vọng bài viết này hữu ích và chúc các bạn làm lạp xưởng thành công!

Theo Huệ Lan/Tổ Quốc