4 món canh này dùng các nguyên liệu tươi ngon, rất tốt để bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch giúp chống virus, dưỡng phổi và dạ dày...
Hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ 4 món canh thơm ngon bổ dưỡng theo mùa, bạn hãy lưu lại và chế biến cho gia đình mình nhé.
1. Canh thịt vịt hầm nấm bụng dê
Thịt vịt được Đông y coi là "thuốc bổ thượng hạng". Theo lương y Vũ Quốc Trung, thịt vịt có vị ngọt, mặn, tính bình, đi vào tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Thịt vịt được sử dụng cho các trường hợp suy nhược gầy sút, ăn kém, chán ăn, kiết lỵ, táo bón, phù nề, đới hạ, khí hư, đái tháo đường, sản phụ thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng, lòng bàn tay bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, da tóc khô, miệng họng khô, khát nước. Theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, thịt vịt là nguồn cung cấp selen - chất chống oxy hóa quan trọng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và chống viêm. Do đó, ăn thịt vịt không chỉ giúp bồi bổ sức khoẻ mà còn có thể hỗ trợ và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Trong khi đó, nấm bụng dê có rất nhiều tác dụng với >sức khỏe, ví dụ như tăng cường khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi, ngăn chặn virus, ức chế khối u... Kết hợp thịt vịt và nấm bụng dê thành món canh ngon rất thơm ngon, bổ dưỡng cho cơ thể trong mùa thu.
Nguyên liệu cần thiết để nấu canh thịt vịt hầm nấm bụng dê
1/2 con vịt (khoảng 700g), 10 cây nấm bụng dê, 1/2 củ cải trắng, 1 miếng gừng, lượng gia vị thích hợp, một chút rau mùi (hoặc hành lá).
Cách làm canh thịt vịt hầm nấm bụng dê
Bước 1: Ngâm nấm bụng dê trong nước ấm khoảng 30 phút. Thịt vịt sau khi mua về đem rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Cho thịt vịt vào nồi nước, đun sôi, chần nhanh trong khoảng vài phút rồi vớt ra rửa sạch bằng nước ấm.
Bước 2: Gọt vỏ củ cải trắng và cắt thành từng miếng. Gừng gọt bỏ vỏ và cắt thành từng lát mỏng.
Bước 3: Cho thịt vịt, nấm bụng dê, gừng vào nồi. Thêm một lượng nước vừa đủ, nấu sôi ở lửa lớn rồi giảm lửa nhỏ đun liu riu trong 40 phút.
Bước 4: Sau đó cho củ cải trắng vào đun tiếp trong 15 phút. Cuối cùng, nêm gia vị cho vừa ăn và thả rau mùi hoặc hành lá xắt nhỏ vào.
2. Canh móng giò hầm đậu phộng, táo đỏ
Đậu phộng (hạt lạc) có tác dụng tăng cường lá lách và dạ dày. Nó có thể cải thiện các vấn đề như chán ăn, khó tiêu. Đồng thời, đậu phộng có thể thúc đẩy quá trình hấp thu chất >dinh dưỡng, nuôi dưỡng lá lách và dạ dày, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Đậu phộng cũng chứa nhiều protein và chất béo lành mạnh, cung cấp năng lượng đồng thời giúp cơ thể bạn hoạt động tốt.
Nguyên liệu để làm canh móng giò hầm đậu phộng, táo đỏ
Một phần móng giò, một nắm đậu phộng, 5 quả táo đỏ, một miếng vỏ quýt nhỏ, vài lát gừng, 10g kỷ tử, 1 thìa canh rượu nấu ăn, lượng gia vị vừa phải, một chút hành lá hoặc rau mùi.
Cách nấu canh móng giò hầm đậu phộng, táo đỏ
Bước 1: Chân giò sau khi sơ chế sạch thì chặt thành các miếng nhỏ. Cho chân giò vào nồi nước, thêm rượu nấu ăn, vài lát gừng rồi đun sôi. Trụng chân giò trong khoảng vài phút rồi vớt ra rửa sạch bằng nước ấm.
Bước 2: Đậu phộng và táo đỏ rửa sạch. Sau đó cho móng giò, đậu phộng, vỏ quýt và táo đỏ vào nồi áp suất. Thêm nước vào nồi rồi đậy nắp và đun ở lửa lớn cho đến khi van đẩy lên khóa hơi. Sau đó bạn tiếp tục đun nhỏ lửa trong khoảng 10-12 phút. Rồi bạn tắt bếp, chờ xả van áp suất, mở nắp nồi, thêm gia vị và nước cốt gà vào cho vừa ăn. Cuối cùng bạn cho hạt kỷ tử vào là có thể thưởng thức.
3. Canh thịt ức bò hầm củ mài
Củ mài có thể được gọi là thực phẩm "tối cao" như một loại thuốc bổ. Củ mài không chỉ nổi tiếng là "thực phẩm của người sống thọ" mà còn có chức năng kép vừa ăn vừa làm thuốc. Bản thân nó là một nguyên liệu thuốc trong y học cổ truyền và cũng là thành phần quan trọng thường được y học cổ truyền sử dụng để chế biến các món ăn chữa bệnh. Y học cổ truyền cho rằng ăn củ mài vào mùa thu có nhiều tác dụng như bổ thận, bổ sung dưỡng chất, tăng cường lá lách và dạ dày, làm ẩm phổi đồng thời giảm ho.
Nguyên liệu làm món canh thịt ức bò hầm củ mài
500g thịt ức bò, 2 củ mài, 1 củ cải trắng (loại nhỏ), vài lát gừng, 1 thìa canh rượu nấu ăn, lượng gia vị vừa phải, một chút nước cốt gà, hành lá hoặc rau mùi.
Cách nấu canh thịt ức bò hầm củ mài
Bước 1: Thịt ức bò mua về rửa sạch và thấm khô nước. Sau đó cắt thịt ức bò thành các miếng hình vuông vừa ăn. Tiếp theo cho thịt bò vào nồi nước, đun sôi, chần trong khoảng vài phút. Lấy thịt ức bò ra khỏi nồi, rửa lại bằng nước ấm. Cho thịt ức bò, vài lát gừng, rượu nấu ăn vào nồi hầm điện và thêm lượng nước thích hợp. Bạn hầm thịt ức bò trong khoảng 60-90 phút. Nếu bạn muốn thịt nhanh mềm thì có thể dùng nồi áp suất.
Bước 2: Gọt bỏ vỏ củ cải trắng và củ mài rồi cắt thành các miếng hình chéo. Khi thịt ức bò đã được hầm chín, bạn cho củ cải trắng và củ mài vào, nấu tiếp trong nửa giờ. Cuối cùng, thêm chút gia vị và nước cốt gà vào cho vừa ăn. Bạn cũng có thể thêm hành lá hoặc rau mùi xắt nhỏ tùy theo sở thích.
4. Canh dạ dày heo hầm ngao
Người Trung Quốc thường có câu nói "một miếng dạ dày heo bằng 10 vị thuốc", để đề cao công dụng của loại thực phẩm này. Theo Đông y, dạ dày heo có tính ấm, công dụng bổ tỳ vị, tăng cường sinh lực và làm dịu thần kinh. Dạ dày heo cũng rất giàu protein, cacbohydrat và vitamin, có tác dụng dưỡng dạ dày, bổ gan, cải thiện thị lực, dưỡng khí huyết, giảm mệt mỏi về thể chất, rất thích hợp cho người suy nhược, thể trạng yếu. Xét về dinh dưỡng, dạ dày chứa nhiều protein, chất béo, vitamin A, vitamin E, cũng như sắt, magie, natri, kali, canxi và các chất dinh dưỡng khác. Những chất này được cơ thể hấp thụ dễ dàng, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, đồng thời có thể đóng vai trò chữa bệnh.
Nguyên liệu để làm món canh dạ dày hầm ngao
1/2 cái dạ dày heo, 150g ruột ngao, 1 nắm hạt sen, một ít gừng thái sợi, 1 thìa canh rượu nấu ăn, một ít hạt tiêu nguyên hạt, lượng gia vị thích hợp, chút nước cốt gà, một chút rau mùi xắt nhỏ.
Cách làm canh dạ dày heo hầm ngao
Bước 1: Bóp và rửa sạch dạ dày heo nhiều lần với bột mì cùng muối. Sau đó cho dạ dày heo vào nồi nước, thêm hạt tiêu và rượu nấu ăn vào đun sôi. Chần dạ dày heo trong 30 giây rồi vớt ra rửa sạch lại với nước ấm. Sau đó cắt dạ dày heo thành các miếng dài.
Bước 2: Ruột ngao bạn nên chọn loại to, mua về đem rửa sạch, để ráo nước. Hạt sen bạn cũng đem rửa sạch, để ráo.
Bước 3: Cho dạ dày heo, ruột ngao, hạt sen, gừng thái sợi vào nồi. Thêm lượng nước thích hợp rồi đậy nắp lại hầm khoảng 90 phút là có thể dùng được. Thêm muối, nước cốt gà và chút tiêu vào, khuấy đều rồi rắc rau mùi xắt nhỏ lên trước khi ăn.