Nồi đất là 1 loại nồi đặc biệt khác với nồi gang, nồi inox nên các bà nội trợ khá hoang mang không biết cách sử dụng nồi đất sao cho đúng cách.
Cách sử dụng nồi đất cực bền
Nồi đất được tạo thành từ đất sét với các thành phần chính là oxit nhôm và silicat, sau đó đem đi nung trong lò, có thể được tráng thêm men.
Trong thời gian gần đây, nồi đất lại xuất hiện trở lại với dáng vẻ hiện đại, nhỏ gọn và dễ sử dụng hơn so với họ hàng xa xưa của chúng. Bởi chất liệu gốm sứ truyền nhiệt kém hơn so với kim loại nên sau khi nấu, thức ăn trong nồi có thể được giữ ấm trong một thời gian đáng ngạc nhiên. Bên cạnh đó, vì thành nồi đất khá dày so với các loại nồi khác, nên khi nấu ăn, hương vị của món ăn không bị thoát ra ngoài môi trường mà được ủ lại vào bên trong, khiến món ăn lại càng thêm đậm đà.
Vì có chất liệu và chức năng độc đáo như vậy, nên khi mới mua nồi đất, bạn cũng cần chú ý làm theo những cách sau để có thể giữ nồi đất được lâu bền cũng như tận dụng hết khả năng tuyệt vời của chúng nhé.
Không sử dụng nồi đất ngay sau khi mua về
Ngâm nồi, nắp nồi trong nước lạnh từ 10 – 15 phút để nước ngấm vào các lỗ khí trong nồi, sau đó vớt ra, dùng khăn khô hoặc giấy ăn lau sạch nước đọng trong thành nồi. Thực hiện cách này trong một vài lần đun đầu tiên giúp nồi đất của bạn dẻo dai hơn và không bị nứt vỡ trong quá trình sử dụng lâu dài.
Đặt nồi khô lên bếp, bật nhỏ lửa hoặc điều chỉnh nhiệt độ của loại bếp bạn đang dùng sao cho nhiệt độ thấp để nồi có thời gian hấp thu nhiệt từ từ. Sau khi nồi đã nóng lên, bạn mới có thể bắt đầu nấu ăn. Nếu không làm theo cách này mà bật bếp to lửa và nấu ăn luôn, nhiệt độ cao đột ngột sẽ dễ làm nồi bị vỡ, vì chất liệu nồi không có khả năng giãn nở nhiệt tốt.
Sử dụng nồi đất trong khi nấu ăn
Hạn chế phi hành, tỏi trực tiếp, vì nếu trong nồi chỉ có dầu ăn và hành tỏi, điều này sẽ không tốt cho lớp men tráng bên trong lòng nồi.
Hạn chế dùng dầu ăn, nếu cần thì chỉ cần một ít là đủ.
Nên đun ở mức độ lửa nhỏ, nhiệt thấp hoặc vừa phải, tránh việc đun quá lâu dưới nhiệt độ cao cũng sẽ có hại cho lớp tráng men của nồi cũng như tăng nguy cơ làm nồi nứt vỡ. Đó là lí do khiến nồi đất sử dụng thích hợp nhất cho các món cần lửa nhỏ, ninh lâu như kho cá, kho thịt, hầm xương, nấu cơm,…
Trong khi nấu ăn, nếu bạn muốn thêm nước vào món ăn của mình, nên sử dụng nước nóng hoặc nước ấm thay vì nước lạnh để tránh tình trạng sốc nhiệt cho nồi.
Vì đặc điểm nổi bật nhất của nồi đất là giữ nhiệt lâu, bởi vậy bạn không nên đun quá cạn nước trong nồi. Khi thấy món ăn sắp hoàn thành, hãy tắt bếp đi vì nồi đất còn có thể giúp món ăn của bạn sôi thêm một lúc nữa. Nếu cố tình đun quá cạn rồi mới tắt bếp, món ăn sẽ dễ bị cháy.
Vệ sinh nồi đất sau khi nấu ăn
Sau khi tắt bếp, nhiệt độ của nồi đất vẫn tương đối cao. Bởi vậy, hãy chắc chắn rằng mình đang cầm một chiếc lót bếp dày để bắc nồi xuống mà không bị bỏng.
Luôn chuẩn bị cho nồi đất một miếng lót riêng làm bằng kim loại, gỗ, nứa hoặc ít nhất là một tấm lót vải dày để có thể đặt nồi đang nóng vào trong đó. Bởi đây đều là những chất liệu có khả năng truyền nhiệt tốt, nhanh chóng chia sẻ được nhiệt từ nồi đất tỏa ra. Nếu trực tiếp để đáy nồi tiếp xúc với nền gạch, nền xi măng lạnh, dễ xảy ra tình trạng chênh lệch nhiệt cao làm nồi nứt vỡ.
Trước khi rửa hãy dùng nước nóng để tráng nồi và cọ rửa chúng bằng bàn chải cứng (không dùng miếng sắt cọ xoong tránh làm xước nồi),
Đối với các vết bẩn thông thường, bạn có thể dùng muối và miếng bọt biển để chùi rửa. Đối với những vết bẩn “cứng đầu”, bạn có thể ngâm nồi trong nước với khoảng 1 đến 4 muỗng bột baking soda (có thể mua ở các của hiệu bán đồ làm bánh) rồi để qua đêm.
Nếu nồi xuất hiện nấm mốc, pha hỗn hợp gồm bột baking soda và nước (theo tỉ lện 1:1) cho vào nồi và ngâm trong 30 phút. Sau đó dùng bàn chải cọ sạch, có thể để khô tự nhiên hoặc phơi nắng.
Sau khi rửa sạch nồi, dùng khăn giấy lau khô trước khi đem đi cất. Bạn nên bỏ một ít giấy ăn vào lòng nồi để hút ẩm, đồng thời đậy ngược nắp của nồi lại để lòng nồi không bị hấp hơi vì quá kín.
Việc sử dụng nồi đất quả thực không quá khó. Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian tìm hiểu là bạn đã có ngay mẹo hay để chiếc nồi đất của gia đình vừa bền vừa luôn mới!