Những vụ án đau lòng do người mẹ bị trầm cảm diễn ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót. Vậy có cách gì có thể hạn chế được những thảm án đau lòng này?

13:00 18/10/2018

Trong thời gian qua những vụ án mẹ bị trầm cảm sau sinh giết chính đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, xót xa. Trong đó có thể kể đến như vụ người mẹ trẻ sinh năm 1998 ở Thạch Thất Hà Nội dìm chết con mình mới hơn một tháng tuổi khiến cháu bé tử vong ngày 12/6/2017. Hay vụ chị Đào Thị H. sinh năm 1990 ở Quốc Oai, Hà Nội đã giết hại con trai của mình vào ngày mùng 3 Tết Đinh Dậu. Và mới đây nhất, ngày 8/10/2018, một bé trai 2 tuổi tử vong do bị ném xuống giếng ở thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Các cơ quan điều tra đang vào cuộc để tìm ra kẻ thủ ác đã giết hại em bé. Qua khai thác ban đầu người mẹ của bé trai bị trầm cảm nặng.

Trầm cảm sau sinh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh trầm cảm sau sinh

TS. Ngô Văn Vinh - Viện trưởng Viện Pháp y Tâm thần Trung ương cho biết: Hiện nay người ta vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân của trầm cảm sau sinh, tuy nhiên một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh là do: “Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và chất dưỡng thai, hormon tuyến giáp... gây ra cảm giác mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc. Mặt khác ngay trong tuần đầu sau khi sinh, hầu hết phụ nữ đều xuất hiện hội chứng “Ngày thứ 3 sau sinh” với những biểu hiện như mất ngủ, căng thẳng, suy nghĩ linh tinh, lo lắng về khả năng >chăm sóc con. Sự quan tâm, động viên của gia đình đặc biệt là của người chồng trong thời điểm này là vô cùng quan trọng và cần thiết, có thể giúp người bệnh cải thiện được tình trạng trên và nội tiết tố trong cơ thể dần cân bằng lại. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm, động viên, chia sẻ thì tình trạng này sẽ một nặng thêm và xuất hiện những suy nghĩ lệch lạc, hoang tưởng, ảo giác... dễ có hành vi nguy hiểm và hành động mất kiểm soát gây hại cho bản thân và những người thân xung quanh”.

Trầm cảm sau sinh được chia làm 3 mức độ, trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Ở trầm cảm sau sinh nặng có 2 trường hợp là trầm cảm nặng không loạn thần và trầm cảm nặng có loạn thần. Loại trầm cảm nặng có loạn thần đặc biệt nguy hiểm, một số bệnh nhân xuất hiện các hiện tượng hoang tưởng hoặc ảo thanh. Những hiện tượng hoang tưởng thường xảy ra đối với đứa con, họ cho rằng đứa con là tội lỗi, hay cho rằng chồng đi ngoại tình... Trong khi đó, những hiện tượng ảo thanh thường các bệnh nhân sẽ cảm thấy có tiếng nói xui mình giết con, giết chồng... Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị rất có thể các bà mẹ sau sinh sẽ có những hành động tự gây hại cho bản thân hoặc cho con mình và những người xung quanh.

Đối với người mắc trầm cảm trên 6 tháng sẽ được các bác sĩ điều trị tích cực từ 6 tháng đến 1 năm và điều trị duy trì từ 3-5 năm. Bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường nếu được bác sĩ điều trị đúng phương pháp, uống thuốc đúng giờ, đầy đủ và đặc biệt môi trường sống hòa nhập thân thiện. Tuy nhiên, nếu phương pháp điều trị không đúng, bệnh nhân không tuân thủ giờ uống thuốc hay liều lượng uống thì rất có thể bệnh sẽ tiếp tục tái phát. Bởi theo số liệu thống kê, 60-80% bệnh nhân có thể tái phát trầm cảm nếu không được điều trị đúng cách.

Có phòng ngừa được không?

Theo nghiên cứu những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong thời kỳ mang thai. Các bác sĩ có thể phát hiện những phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa được bệnh này. Quan trọng nhất là mọi người nhận biết được các yếu tố nguy cơ và xin tư vấn bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn có bất kỳ thay đổi tâm trạng trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai. Gia đình cần quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần để các bà mẹ ổn định tâm lý. Đặc biệt, với các bà mẹ trẻ, lo lắng buồn phiền là điều bình thường, đừng che giấu những mối lo và băn khoăn mà hãy chia sẻ với người thân để có biện pháp tốt nhất. Nếu gặp bất kỳ cảm xúc buồn chán đau khổ, người mẹ cần yêu cầu trợ giúp từ các bác sĩ, gia đình và bạn bè.

Cả vợ lẫn chồng nên theo học một số chương trình giáo dục tiền sản trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo cung cấp những kiến thức đúng đắn về >sức khỏe sinh sản.

Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử lên đến 41.2%. Chính vì vậy khi phát hiện người phụ nữ có những biểu hiện bồn chồn, lo lắng, mất ngủ hay cáu gắt hoặc thờ ơ lãnh đạm bất cần thì nên đưa họ đến bác sĩ để khám và tìm hiểu nguyên nhân điều trị càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó chuyên gia cũng cho rằng sở dĩ hiện nay căn bệnh trầm cảm ngày càng xuất hiện nhiều là do không ít phụ nữ kết hôn khi còn quá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống. Việc chăm sóc con nhỏ trở thành gánh nặng... Vì vậy gia đình cần quan tâm, chia sẻ để giúp người phụ nữ cân bằng lại tâm sinh lý... phòng tránh căn bệnh này.

Theo Minh Tuấn/ Sức khỏe & Đời sống