Làm mẹ là điều mà bất kì người phụ nữ nào cũng luôn mong muốn và ao ước. Thế nhưng, ít ai có thể hiểu được rằng các bà mẹ đã phải chịu đựng sự vất vả và đau khổ như thế nào. Vì vậy, hãy cùng điểm qua những nỗi khổ tâm mà mọi bà mẹ đều phải trải qua nhé.
1. Khi vác đình làng úp ngược
Trong thời gian mang thai, các triệu chứng cứ thế đến rồi đi theo thời gian. Cho dù không đầy đủ các dấu hiệu đau lưng, đau đầu, khó chịu hoặc chuột rút ở chân thì ít nhiều mẹ cũng phải chịu đựng một trong số đó.
Nếu nó đến, mẹ đừng vội than vãn hay quở trách “Tại con mà mẹ phải xấu, phải đau đớn thế này” nhé! Mình có than, các triệu chứng khó chịu đó cũng không mất đi đâu được? Đã vậy còn làm chồng cảm thấy lo lắng hơn vì có là đàn bà mang nặng đẻ đau đâu mà thấu hiểu được cả.
Cuộc sống này còn nhiều cơn đau hơn thế. Ngay cả trong lúc bầu bì và sinh nở cũng vậy. Thế nên, chúng ta hãy cứ xem đó như là một phần để dạy mình cách chịu đựng những nỗi đau lớn hơn!
Tuy nhiên, người phụ nữ cũng đừng cam chịu một cách quá thụ động! Chẳng hạn, có bị chuột rút thì phải cố gắng duỗi chân căng ra và massage nhẹ nhàng sau đó. Nếu thích cảm giác khoan khoái, dễ chịu hơn, có thể chườm một miếng vải ấm quanh chỗ bị chuột rút để máu lưu thông tốt hơn!
2. Trong cơn vượt cạn mồ côi
Hiện tại thì ở Việt Nam đã có các dịch vụ cho phép chồng cùng vợ vượt cạn nhưng đa phần các mẹ vẫn phải mồ côi vượt cạn một mình.
Cảm giác phải đau đẻ một mình đúng thật không gì tả nổi. Một số mẹ có thể vì sợ đau đẻ quá nên hãi, chỉ dám đăng ký mổ chủ động nhưng ai đã từng đau đẻ rồi sẽ thấy mình mạnh mẽ đến mức có thể hùng hổ đánh lại bọn người xấu để bảo vệ con mình.
Đó là do trong lúc đau đẻ, đỉnh điểm của cơn co thắt tử cung, các mẹ sẽ phải trải qua cảm giác đau đớn cùng ngưỡng với một người trưởng thành gãy cùng lúc 20 cái xương!
Nhiều mẹ đau đẻ sau dăm mười phút là đã có thể sinh nhưng các mẹ khác, nhất là mẹ sinh con đầu thì có thể mất gần cả ngày trời.
Cơn đau đớn rất kinh khủng và chỉ chấm dứt hẳn sau khi em bé luồn qua đường sinh, ra ngoài âm đạo mẹ và chào đời mà thôi! Vậy mà sau sinh, mẹ còn phải chịu cơn đau khâu tầng sinh môn như khâu sống vậy.
Nhưng nếu biết cách, cơn đau của mẹ sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng ta hãy cố gắng tìm được nguồn động viên từ nơi chồng và thực hành bài tập thở, kiểm soát hơi kể cả trước và trong khi sinh!
3. Bộn bề sau sinh
Các mẹ làm mẹ rồi sẽ biết, trong ngày 24/24h đều phải ở với con. Thậm chí mẹ nào có con nhỏ trước đó càng phải bộn bề nhiều hơn vì bé mới sinh chỉ có biết măm sữa và ngủ thôi. Có nhiều người đã từng trải qua những ngày phải ngồi bật khóc vì ngắm hai con mắt gấu trúc của mình trong gương!
Có người thì con không chịu bú, mẹ cứ phải nai lưng ra ngồi cả tiếng, vật lộn cho vào miệng con từng giọt sữa. Con ngủ rồi, mẹ còn phải đem quần áo đi giặt, phơi… đủ chuyện. Hay, khổ nhất là phải canh cho con 3 tiếng 1 cữ sữa, nghĩ lại mà khiến các mẹ rung mình.
Đôi khi mất ngủ còn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh và để lại rất nhiều hậu quả tai hại khác đó! Vì vậy, khi sinh nở và sau khi về nhà nằm ổ, nhất định phải có mặt chồng kè kè một bên! Thứ nhất là chăm con phụ, sau nữa là để mẹ sau sinh không cảm thấy mình bị bỏ rơi hoặc phải mang gánh nặng nuôi con một mình.
4. Chiếc bụng "quá khổ" khiến làm việc gì cũng khó
Ttong thời kì mang thia, lúc nào >mẹ bầu cũng mang trên mình một chiếc bụng bầu “cỡ đại” khiến cho các mẹ không sao có thể di chuyển hay hoạt động một cách dễ dàng được. Thậm chí đến cả việc đứng lên, ngồi xuống cũng là vấn đề khiến mẹ mệt mỏi. Thế nên, đừng bao giờ cho rằng mẹ bầu lười nên không mấy vận động nhé vì dù có muốn đến đâu thì cũng chỉ khiến mọi việc “sôi hỏng bỏng không” mà thôi.
5. Đau đớn khi cho con bú
Những lúc sữa căng mà được con bú đúng là sung sướng thật nhưng đôi khi cho con bú chẳng phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Có rất nhiều mẹ trên diễn đàn chia sẻ về những vấn đề đang phải đối mặt khi cho con bú như tắc sữa, núm vú tụt vào trong, đầu ti nứt rướm máu… Nhưng tất cả những cái này dù có xảy ra chăng nữa mẹ cũng không được đầu hàng.
Các bác sĩ khuyên rằng, cho con bú sữa mẹ, con sẽ thông minh, có sức đề kháng cao và sau này cũng tốt tính hơn!
Nếu các mẹ cho con bú bị nứt núm vú, hãy cố gắng cho con bú ởtư thếđúng với các bộ phận mũi, má và cằm chạm vào vú!
Sau mỗi lần bé bú, nên lau sạch nhẹ nhàng toàn bộ sữa quanh núm vú ở cả hai bên. Nếu muốn giữ ẩm da, có thể dùng lanolin (một loại chất béo) vừa đủ và nhớ lau sạch lại trước khi con bú cữ kế tiếp!
6. Nhạy cảm với mọi sự tiếp xúc cơ thể
Khi mang thai, mẹ bầu sẽ luôn trong tình trạng toàn thân đau nhức và khó chịu khi lúc nào cũng phải bồng bế chiếc "thùng phuy" bên người mỗi ngày. Và chỉ một chút động chạm nhỏ thôi cũng khiến cho từng cơn đau đó lại được dịp "dấy" lên một lần nữa. Ấy thế mà mọi người xung quanh lại chỉ muốn được xoa bụng hay chạm vào em bé mà thôi chứ có mấy ai hiểu được cảm giác của mẹ đâu cơ chứ.
7. "Xa lánh" với mọi loại thực phẩm
Các mẹ bầu thường trở nên mẫn cảm với đồ ăn hơn khi mang thai do sự thay đổi của các nội tiết tố trong cơ thể. Thế nên, sẽ chẳng có gì là lạ nếu thấy mẹ bầu lúc nào cũng thèm đủ thứ đồ ăn nhưng lại luôn buồn nôn mỗi khi lại gần chúng. Bởi lẽ lúc này mũi của sản phụ sẽ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết nên chỉ cần một chút mùi thôi cũng khiến mẹ không dám “bén mảng” lại gần đồ ăn nữa đâu đấy.
8. Sốt vó khi con đau bệnh
Dù con chỉ bị bệnh nhẹ thì đối với mẹ những ngày con ốm, ruột gan như héo úa vậy. Huống gì những lúc con phải cấp cứu, nhập viện và phải chịu gắn lên mình bao loại dây y tế chằng chịt. Nhiều bố mẹ còn chẳng màng mình còn lại gì, sẵn sàng để chu cấp tiền bạc, chạy chữa cho con qua cơn bệnh. Nỗi đau này khó ai có thể gánh được người mẹ, người đã rứt ruột sinh con ra và phải chịu trách nhiệm cho đến hết cuộc đời con. Nhưng dù lo lắng thế nào, mẹ cũng đừng lụy quá mà hoang tưởng bệnh của con! Có những bệnh dù nguy hiểm nhưng nếu phát hiện kịp vẫn chạy chữa được. Vì vậy, tốt nhất phải luôn khám >sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm cho bé!
9. Nhan sắc bị "tàn phá" nặng nề
Bạn sẽ rất bất ngờ với nhữnghình ảnhtrước và sau khi mang thai của các mẹ bầu bởi sự chênh lệch nhanh sắc quá lớn. Khi mang thai, các mẹ sẽ phải nói lời tạm biệt với làn da "đẹp không tỳ vết" cùng thân hình "vạn người mê" mà thay vào đó là những vết rạn nứtkhó coi và cơ thể xấu xí. Bởi lẽ các mẹ khi mang thai đều phải trải qua sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể cùng với việc bụng sẽ "phát tướng" từng ngày khiến "tàn phá" nặng nề làn da cũng như thân hình quyến rũ trước đây.
10. Bối rối khi con mình lần đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên bỏ con lại ở cổng trường, nhìn con khóc như mưa, làm mẹ ai cũng sẽ thấy nhói tim. Mặc dù mắt mẹ sáng bừng, miệng cười thật tươi nhưng tất cả cũng chỉ là gượng gạo! Dẫu biết, trẻ con nào rồi cũng phải đến trường, đi học và trưởng thành nhưng không người mẹ nào lại không lo lắng khi con ở trường học.
Đó là tình cảm sâu thẳm mà một người mẹ luôn cảm thấy khó khăn khi phải vượt qua. Thậm chí với nhiều người, ngày đầu gởi con đi mẫu giáo chỉ biết mở tivi xem suốt ngày để không nghĩ về con! Cứ ngưng tivi là lại nghĩ liệu con có thể thích nghi được không? Cô giáo con là ai? Cô giáo con có hiền không? Con ăn ở nhà phải dùng đủ chiêu dụ, liệu lên trường có được miếng nào vào bụng không? Con có khóc vì nhớ mẹ không? Con có vui khi có bạn không?…
Nếu mẹ nào đã vượt qua được 10 nỗi đau này, coi như đã bước đầu làm mẹ thành công và có quyền tự hào về mình rồi!!!