Việc tập luyện sai cách sẽ vô tình làm giảm hiệu quả và chẳng mang đến lợi ích gì cho sức khoẻ của bạn.
Không cố định một bài tập riêng
Việc chăm chỉ tập luyện hàng ngày là rất tốt nhưng nếu không kiên trì đi theo bài tập đó trong một khoảng thời gian nhất định cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho sự thay đổi trong cơ thể bạn. Khi bạn cứ thay đổi nhiều bài tập khác nhau sẽ khiến cơ thể chưa kịp thích nghi được với bài tập này đã phải thử nghiệm sang một bài tập mới. Do đó, các huấn luyện viên thể hình khuyên bạn nên gắn bó với một bài tập nhất định nào đó ít nhất 8 tuần để nhận được kết quả rõ rệt.
Tập luyện khi đang đói
Để bụng quá đói đã bước vào phòng tập sẽ chỉ khiến bạn có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và dẫn đến ngất xỉu đột ngột. Thay vì để bụng đói trong lúc tập luyện thì bạn nên ăn nhẹ một chút gì đó trước khi vào tập như một quả táo chẳng hạn, không cần quá no nhưng đủ cho dạ dày của bạn bớt cảm thấy cồn cào, trống rỗng.
Tập luyện khi đang no
Nhiều người thường có suy nghĩ phải ăn thật no trước khi tập luyện để có đủ sức khoẻ trong mỗi buổi tập. Tuy nhiên, nếu ăn quá no trước khi tập thì máu trong cơ thể sẽ tập trung đến dạ dày và một số bộ phận khác để thực hiện chức năng tiêu hoá cũng như hấp thu chất >dinh dưỡng vào cơ thể. Thế nên, việc tập luyện khi đang trong trạng thái quá no sẽ khiến nhịp sinh học của cơ thể bị rối loạn, gây ra hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, chuột rút, thức ăn khó tiêu hoá... dẫn đến tình trạng là bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng hoạt động.
Không uống nước sau khi tập
Việc tập luyện quá sức có thể khiến bạn tiết ra nhiều mồ hôi nên lúc này, cơ thể cần bổ sung nước ngay để giúp cân bằng lượng nước đã mất, đồng thời cũng giúp cho da dẻ bớt khô nẻ. Tuy nhiên, bạn lưu ý là không uống nước có cồn hay nước có gas sau khi tập vì có thể làm các cơ bắp nhanh chảy, nhão hơn.
Tập luyện quá sức
Chăm chỉ tập luyện đều đặn mỗi ngày là một thói quen tốt nhưng nếu tập luyện quá hăng say mà không kiềm hãm lại kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như gãy xương, căng cơ, mệt mỏi, chán ăn... Do đó, các chuyên gia sức khoẻ khuyến cáo thời gian tập luyện tối đa của cơ thể là 60 phút mỗi ngày.
Tắm nước lạnh sau khi tập
Nhiều người ngay sau khi tập luyện thường có thói quen đi tắm ngay để thư giãn tinh thần cũng như vệ sinh cơ thể sạch sẽ khỏi mồ hôi, bụi bẩn. Thế nhưng, nếu tắm ngay bằng nước lạnh sẽ khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh do thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Vậy nên, bạn hãy chọn chế độ nước ấm vừa phải để làm sạch cơ thể sau khi tập luyện sẽ vừa giúp cơ thể sảng khoái, dễ chịu lại vừa giúp trí não minh mẫn, tỉnh táo, thư thái hơn.
Tập luyện khi cơ thể đang có bệnh
Trong khoảng thời gian cơ thể nhiễm bệnh cảm, sốt hay có các triệu chứng như ho khan, viêm họng, cơ thể choáng váng... thì bạn tuyệt đối không nên đến phòng tập. Bởi tập luyện trong tình trạng này khiến cơ thể nhanh bị mất nước và bạn sẽ phải mất một thời gian dài mới khỏi bệnh hoàn toàn được. Ngoài ra, những người mắc các chứng bệnh mãn tính hay có tiền sử bệnh suy tim, hen suyễn... thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi định áp dụng theo bất kỳ bài tập luyện nào để tránh gây nguy hại cho sức khoẻ.