Chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì cho đủ đầy, chỉn chu? Các gia đình có thể tham khảo bài viết dưới đây.
>Tết Đoan Ngọ là một dịp tết truyền thống của người Việt, có tầm quan trọng chỉ xếp sau Tết Nguyên Đán. Tết Đoan Ngọ tuy bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó lại mang ý nghĩa riêng rất đặc biệt.
Cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì và họ thường cúng gì trong ngày này để cho đúng với ý nghĩa và đạt được ước nguyện? Các gia đình có thể đọc bài viết này để biết được nên sắm sửa mâm cúng Tết Đoan Ngọ.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những sản vật đặc trưng của nông nghiệp - Ảnh: Internet
Phong tục cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch khởi đầu từ Trung Quốc, là một dịp để dân chúng tưởng nhớ đến một vị hiền tài ái quốc vì oan ức mà gieo mình xuống sông tự vẫn. Tại Việt Nam, phong tục cúng Tết Đoan Ngọ được chuyển hóa thành Tết diệt sâu bọ.
Chuyện kể rằng không biết từ khi nào, trong một ngày mùng 5 tháng 5 dân chúng sắp kết thúc vụ lúa thì đột nhiên sâu bọ ầm ầm kéo đến tàn phá hoa màu. Đột nhiên lúc này xuất hiện 1 ông cụ bày cho mẹo diệt trừ sâu bọ bằng cách lập mâm cúng gồm rượu nếp và các loại hoa quả mùa hè. Thế là lập tức sâu bọ đồng loạt lăn ra chết. Từ đó, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 hằng năm, dân chúng lại bày biện mâm cúng gồm những gì mà ông cụ mách để cầu mong mùa màng bội thu, xua đuổi mọi bệnh tật.
Chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ rất đơn giản và không thể thiếu cơm rượu nếp - Ảnh: Internet
Sắm sửa lễ cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì mà dân gian lưu truyền lại, bao gồm:
- Hương, vàng mã
- Hoa tươi
- Chén nước
- Cơm rượu nếp
- Rượu
- Hoa quả đầu mùa gồm: mận, vải, đào tơ,...
- Bánh ú tro
Theo tục cúng Tết Đoan Ngọ cổ truyền, còn có sự xuất hiện của món chè, xôi và bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên hiện nay, mâm cỗ cúng đã được đơn giản hóa, lược bỏ bớt để thuận tiện hơn cho các gia đình bận rộn.
Tại nhiều tỉnh miền Trung, ngoài các món trên, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu món thịt vịt. Đây đồng thời là dịp để con rể lễ tết nhà ngoại, bày tỏ sự biết ơn đối với cha mẹ vợ.
>>> Xem thêm:
- Cách làm bánh ú tro chuẩn vị cúng Tết Đoan Ngọ
- Cách làm cơm rượu ngon cho ngày Tết Đoan Ngọ thêm tròn vị
Ngoài mâm cỗ cúng đủ đầy thì Tết Đoan Ngọ cúng ở đâu và cúng vào lúc nào cũng hết sức quan trọng.
Tết Đoan Ngọ nên bắt đầu vào giữa trưa - Ảnh: Internet
Theo tên gọi, Tết Đoan Ngọ nên được bắt đầu từ giữa trưa ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (bởi lẽ Đoan là bắt đầu, Ngọ là giữa trưa, dịch là “bắt đầu vào giữa trưa”. Do đó, Tết Đoan Ngọ nên cúng lúc mấy giờ thì câu trả lời là vào giờ Ngọ, bắt đầu từ 11 giờ trưa cho tới 1 giờ chiều.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ được bày lên ban thờ gia tiên, tuy nhiên với nhiều nhà nông, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ngoài bày trên ban thờ trong nhà còn cần phải bày biện ngoài trời để khấn tạ trời đất, thần linh phù hộ cho mùa màng bội thu.