Không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ là đặc điểm chung của những sản phẩm rượu thuốc, kem trộn chăm sóc da "nhà làm".
Theo thông tin từ Dân Trí, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, gần đây liên tục tiếp nhận các trường hợp tai biến sau khi >làm đẹp bằng các sản phẩm lột da không rõ nguồn gốc.
Trường hợp thứ nhất là một phụ nữ 37 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Tháp) đến khám tại khoa Thẩm mỹ da của bệnh viện trong tình trạng khắp vùng da mặt nổi đầy mụn nước có dịch vàng đục.
Bệnh nhân cho biết, cách đó 2 ngày có tự bôi một loại thuốc rượu lên mặt để lột da điều trị mụn. Tuy nhiên sau khi bôi, da chị đỏ rát rất nhiều. Một ngày sau, toàn bộ vùng da mặt nổi mụn nước kèm rỉ dịch vàng đục. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán đã bị bầm máu, nhiễm trùng, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Trường hợp khác là một bệnh nhân nữ mới 14 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) đến bệnh viện "cầu cứu" khi da đã nổi đỏ, đóng mày đang bong tróc. Theo lời kể của thiếu nữ này, trước đó, em đã thực hiện peel da tại nhà bằng một loại tinh chất hồng sâm, gây nên tình trạng trên. Sau khi phát hiện biến chứng, bệnh nhân đã tự mua thuốc uống nhưng không khỏi, mà tình trạng ngày một nặng nề hơn.
Tương tự, cách 4 ngày nhập viện, chị Linh (31 tuổi, quê Tây Ninh, tên đã thay đổi) tự mua một loại kem sâm thoa lên mặt để peel da. Một ngày sau, người phụ nữ đến spa ở địa phương để tiêm vi điểm làm trắng da. Sau khi trở về nhà, bệnh nhân đau rát vùng mặt. Thời điểm đến bệnh viện ở TPHCM khám, người phụ nữ được xác định đã bị nhiễm trùng, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Dẫn tin từ Tuổi Trẻ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Phương - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết rượu thuốc trị mụn trên thị trường được kết hợp giữa rượu nguyên chất và các loại thực vật thiên nhiên. Tuy nhiên, thành phần chính là cồn với nồng độ cao.
Bác sĩ Phương chỉ ra: "Độ cồn cao làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, gây ảnh hưởng đến khả năng giữ ẩm của lớp thượng bì khiến da trở nên khô căng, khó chịu, gây kích ứng, bong tróc và đau rát.
Các thành phần không rõ xuất xứ, không được kiểm nghiệm về nồng độ, hoạt chất cũng như mức độ vệ sinh nên không được các chuyên gia da liễu khuyên dùng".
Trước những công dụng "làm đẹp cấp tốc" của thuốc rượu, bác sĩ Phương cho biết sau một thời gian làn da sẽ tổn thương, mất nước, dễ kích ứng với môi trường xung quanh.
Đồng thời, da không có khả năng chống nắng sẽ tăng sắc tố trở lại nhanh chóng. Nhiều trường hợp sử dụng gây viêm da tiếp xúc kích ứng toàn thân, thậm chí nhiễm trùng.
Đối với> kem trộn, bác sĩ Trần Ngọc Phương cho rằng các sản phẩm này chứa thành phần corticoid nên làm da trắng nhanh hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian làn da sẽ trở nên teo mỏng, mạch máu nổi rõ và nhạy cảm với môi trường ngoài. Thậm chí, sử dụng kem trộn trên cơ thể có thể làm xuất hiện các vết rạn da không bao giờ hồi phục.
Để >chăm sóc da một cách khoa học, bác sĩ Trần Ngọc Phương khuyến cáo: "Cần dừng lại ngay các sản phẩm này khi nhận biết được nó. Đa số người dùng không hiểu rõ về sản phẩm mà mình đang sử dụng. Những trường hợp chuyển biến xấu cần được thăm khám, điều trị cụ thể, tránh gây tổn thương cho da".