Nhiều chị em rơi vào tình trạng tóc gãy rụng nhưng không biết nguyên nhân nên chưa tìm được cách cải thiện.
Theo ThS.BS Phạm Văn Thọ, chuyên gia da liễu, thẩm mỹ tại một phòng khám tại Hà Nội, bên cạnh việc chịu tác động của yếu tố bên trong cơ thể, tóc còn chịu tác động mạnh mẽ từ bên ngoài như khói bụi, tia tử ngoại, hóa chất, nhiệt độ... Uốn sấy là biện pháp làm tóc khô, xơ xác, đổi màu nhanh nhất, theo chuyên gia.
Tóc được coi là rụng nhiều khi mỗi ngày rụng trên 100 sợi. Dưới đây là 7 nguyên nhân thường gặp gây rụng tóc:
1. Căng thẳng stress, mất ngủ
Khi bị stress, cơ thể sẽ phản ứng, làm tăng nồng độ cortisol của tuyến thượng thận. Điều này khiến các nang lông, tóc co lại (hiện tượng nổi gai ốc) làm giảm máu nuôi chân tóc, đồng thời giảm tiết đạm tăng trưởng GAS6 của tóc. Sợi tóc theo đó mà héo úa rồi rơi rụng một cách nhanh chóng, cấp tính trong khi màu sắc vẫn chưa thay đổi.
2. Thiếu dưỡng chất
Kẽm, sắt, biotin (vitamin H) là các dưỡng chất cần thiết để duy trì sự phát triển ổn định của mái tóc. Khi cơ thể bị thiếu sắt, kẽm và biotin thì mái tóc sẽ trở nên yếu và dễ bị gãy rụng.
3. Chăm sóc tóc sai cách
Làm xoăn, uốn lọn, duỗi thẳng, dập xù chân tóc, nhuộm tóc… là các kiểu làm tóc thường được lựa chọn để giúp chị em trẻ trung, xinh đẹp hơn. Tuy nhiên điều này vô tình lại là nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều do sợi tóc thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất làm tóc, thuốc tạo kiểu tóc, nhiệt độ cao nên tóc bị khô xơ yếu, tổn thương và dễ gãy rụng.
4. Rối loạn nội tiết tố nữ sau sinh, hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh
Rối loạn nội tiết tố nữ được xem là một nguyên nhân chính gây rụng tóc sau sinh, rụng tóc ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Trong cơ thể nữ giới, nội tiết tố nữ estrogen có vai trò trong hầu hết các hoạt động bao gồm cả duy trì ổn định >sức khỏe mái tóc. Cơ thể bị rối loạn nội tiết tố estrogen sẽ khiến chu kì phát triển của tóc bị ảnh hưởng, chân tóc bị yếu, giảm sức bám vào nang tóc khiến tóc hay rụng, lượng tóc rụng nhiều hơn so với thời điểm nội tiết tố nữ được cân bằng.
5. Bệnh da đầu, bệnh nấm tóc, bệnh tuyến bã nhờn
Tuyến dầu nhờn hoạt động mạnh mẽ khiến da đầu có nhiều dầu thừa, tóc bết dầu, chân tóc không thông thoáng làm chậm sự phát triển của tóc và đây cũng là một nguyên nhân gây rụng tóc ở nữ giới thường gặp.
Bị nấm da đầu cũng là một nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều thường gặp. Chủng nấm gây rụng tóc chủ yếu là nấm Microsporum, nấm Trichophyton. Nếu bạn bị rụng tóc do nấm có thể sẽ gặp triệu chứng vảy trắng trên da đầu. Da đầu có những mảng đỏ bất thường. Tóc bị rụng nhiều xuất hiện tình trạng tóc gãy sát gốc hoặc chừa lại một đoạn ngắn trên da đầu.
Tóc hư tổn khiến nhiều chị em mất tự tin. Ảnh minh họa
6. Bệnh toàn thân: bệnh tự miễn, bệnh tuyến giáp, buồng trứng đa nang...
Các bệnh lý toàn thân cũng là nguyên nhân làm rối loạn hóc môn khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng bị ảnh hưởng và không đảm bảo được chức năng của mình. Chính điều này là nguyên nhân này làm giảm sức khỏe của các nang tóc và sợi tóc, từ đó làm tóc yếu và gãy rụng nhiều.
7. Dùng các thuốc uống gây rụng tóc: hóa chất ung thư, thuốc chống trầm cảm, corticoid sai cách
Một số loại thuốc có khả năng gây rụng tóc như một tác dụng phụ không mong muốn. Sau khi hóa trị và xạ trị trong điều trị khối u, ung thư, thường xảy ra hiện tượng rụng rất nhiều tóc và cả lông mày, mi.
Theo BS Thọ, việc điều trị rụng tóc còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, một số phương pháp đơn giản để giữ gìn mái tóc chắc khỏe nên được áp dụng là sử dụng dầu gội làm từ thiên nhiên, ăn thực phẩm tốt cho tóc…