"Bây giờ tôi phải vừa uống thuốc ngủ, vừa tập yoga để quay lại giờ giấc bình thường như mọi người", ca sĩ Đoan Trường chia sẻ về cuộc sống của anh sau khi mẹ ra đi.
Mẹ của ca sĩ Đoan Trường qua đời vào khuya ngày 20-5 vừa qua tại nhà riêng sau một thời gian dài bệnh nặng. Sau khi lo xong hậu sự cho mẹ, Đoan Trường mới chính thức thông báo tới bạn bè, đồng nghiệp.
Sau gần 3 tuần lễ, hôm nay, Đoan Trường mới đủ bình tâm để dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này, với những điều gan ruột về biến cố mà anh đã và đang trải qua.
Trước tiên, xin được chân thành chia buồn cùng anh về sự ra đi của mẹ. Xin hỏi, hiện tại anh đã "quen" được với cuộc sống mới, khi ngôi nhà không còn mẹ và anh có định hướng gì trong thời gian tới?
Thật tình tôi vẫn chưa thể làm quen được với cuộc sống mới trong ngôi nhà đã thiếu đi một thành viên thân thương này.
Tôi vẫn luôn mở đèn sáng và truyền hình trong phòng mẹ vào buổi chiều tối cho ấm cúng và không gian bớt im ắng. Đôi khi giữa đêm khuya tĩnh mịch, tôi bật dậy ghé qua phòng mẹ như thói quen trước đây.
Giờ đây khi không còn bận rộn lo cho mẹ nên cả ngày tôi cứ đi ra đi vào thẫn thờ mà không biết nên làm gì. Tôi tiếp tục 'chăm sóc' mẹ trong vòng 49 ngày, đọc kinh cầu an cho linh hồn mẹ mau vãng sanh nơi miền cực lạc, phát tâm làm việc thiện, ghé thăm các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
Tôi vẫn đặt cơm hộp giao tận nhà bữa trưa và thêm một phần cơm chay cúng mẹ. Tôi chưa kịp thay đổi đồng hồ sinh học của mình khi đi ngủ vào lúc... 5 giờ sáng cho đến khi thức giấc tận 1 giờ trưa vì thời gian đó tôi phải thức đêm chăm mẹ trở bệnh nặng.
Bây giờ tôi phải vừa uống thuốc ngủ, vừa tập yoga để quay lại giờ giấc bình thường như mọi người. Sau 49 ngày tôi sẽ cố gắng tìm công việc gì làm thêm cho qua thời gian, tham gia các chương trình truyền hình thực tế, talk show, sự kiện, quảng cáo cho các nhãn hàng. Nếu tâm trạng vẫn chưa nguôi ngoai chắc tôi lại tiếp tục đi khám phá nhiều quốc gia trên thế giới.
Những người khác, khi gia đình có người thân ra đi, họ đều để hình nền đen hoặc thông báo trên mạng xã hội để những người quen biết phân ưu. Tuy nhiên, anh lại giấu. Mãi tới khi tang lễ cho mẹ đã xong xuôi, anh mới thông báo chính thức tới mọi người trên mạng xã hội. Tại sao anh lại làm như vậy?
Tôi không muốn làm phiền cộng đồng mạng phải phân ưu, chia buồn hay đi viếng. Tiếp e ngại các youtuber sẽ kéo đến quay phim tác nghiệp, giật tít sốc làm ảnh hưởng đến hình ảnh các nghệ sĩ đi viếng.
Ngoài ra, tôi cũng muốn tổ chức một tang lễ văn minh, hiện đại với tiêu chí 3 miễn: miễn nhận phúng điếu, miễn nhận vòng hoa, miễn nhận giỏ trái cây.
Ai có lòng đến viếng xin thắp nén hương và miễn quỳ lạy. Điều này làm cho cả khách viếng và tang gia cảm thấy nhẹ lòng vì tôi chỉ muốn nhận được sự an ủi, chia buồn, động viên hay đơn giản là dành thời gian ngồi hàn huyên với nhau.
Ngoài ra tôi cũng thực hiện 4 không: không chụp ảnh, không quay phim, không nhạc lễ kèn trống ca hát và không đốt hay rải vàng mã trên đường phố.
Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng giữ lại những nghi thức tang lễ theo phong tục tập quán để cho người còn sống và người đã mất cảm thấy yên lòng và êm ấm hơn.
Tôi chỉ báo tin cho vài người bạn, nghệ sĩ thân thiết, đồng nghiệp công ty cũ biết. Nếu ai có lòng hoan hỷ muốn đến viếng thì tôi mới gởi cáo phó và tha thiết đề nghị không công khai trên mạng xã hội.
Nhiều người xót xa khi thấy tang lễ khá lặng lẽ, ít khách viếng, chỉ hơn chục vòng hoa do các công ty, khách hàng, hội đoàn hay bạn bè, người thân ở nước ngoài gởi về kính viếng nhưng tôi lại không mấy quan tâm về điều này.
Còn những giỏ trái cây khi cúng xong ngay trong ngày, tôi mang về nhà rửa sạch, đóng bao mới, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Sau đó tôi gởi lại cho những người sống cơ nhỡ ngoài đường.
Đây cũng chính là di nguyện cuối cùng của mẹ tôi mong muốn làm đơn giản, không làm phiền nhiều người, không phô trương và không cầu kỳ trong nghi lễ.
Sau khi hỏa táng và đưa tro cốt mẹ vào chùa thì tôi mới công bố tin buồn trên trang cá nhân. Lúc này tôi mới có tâm trạng bình tĩnh và có nhiều thời gian trả lời cả ngàn lời phân ưu của mọi người cũng như tiếp đón bạn bè đến nhà riêng chia buồn, thắp nén hương trên bàn thờ viếng mẹ.
[Sau đám tang mẹ, Đoan Trường: Giữa đêm, tôi vẫn bật dậy ghé phòng mẹ như thói quen - Ảnh 4.]
Mẹ mất, Đoan Trường bình tĩnh đứng ra lo liệu hậu sự cho bà. Anh không khóc bởi trước đó, anh đã khóc rất nhiều khi chứng kiến mẹ chuẩn bị ra đi...
Khi mẹ qua đời, điều anh ám ảnh nhất, sợ nhất và tiếc nhất là gì?
Vì đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước nên cả tôi và mẹ đều đã có kế hoạch lo cho hậu sự chu toàn. Khi mẹ qua đời, tôi không khóc ngay lúc đấy vì tôi đã khóc trước đó mấy ngày khi thấy mẹ nằm mê man, bất động, lịm dần mà không thể ăn uống được nữa.
Tôi khóc vì xót xa, khóc vì bất lực, khóc vì phải canh từng ngày, từng giờ lúc mẹ ra đi. Đó là điều khủng khiếp ám ảnh tôi nhất cho đến tận hôm nay. Không mê tín nhưng tôi sợ nhất là mẹ vẫn lưu luyến nơi cõi trần này, ngôi nhà này mà linh hồn không chịu phiêu diêu tự do tự tại.
Còn điều hối tiếc nhất là tôi và mẹ có rất ít hình chụp chung từ nhỏ cho đến bây giờ. Những điều quá đơn giản và dễ dàng như vậy mà tôi cũng vô tâm thật đáng trách.
Còn nữa, nói ra điều này chắc không ai tin, mẹ tôi sống đến tuổi 96 mà chưa bao giờ được... đi máy bay. Nhiều lần tôi hứa đưa mẹ đi một lần trong đời cho biết nhưng cũng chưa kịp thực hiện! Tôi tiếc là mẹ thượng thọ ở tuổi 96 chứ nếu may mắn hơn, tôi có thể mừng mẹ đại thọ tròn 100 tuổi.
Mẹ của anh đã có một cuộc đời hạnh phúc và may mắn bởi bà có con cái hiếu thảo, chăm nom phụng dưỡng tới ngày trút hơi thở cuối cùng và chu toàn hậu sự. Còn anh và em gái, giờ vẫn ở vậy sau những đổ vỡ trong hôn nhân, lại không con cái. Anh có bao giờ nghĩ tới điều này không?
Mẹ hạnh phúc vì ra đi trong vòng tay tôi. Lúc gần đất xa trời mẹ vẫn bảo đừng làm quá lãng phí, tốn kém. Mẹ còn tự lựa chọn di ảnh và 'hành lý' mang theo cùng với di nguyện là được hoả táng, tro cốt gửi vào chùa vài năm, sau đó mang về bàn thờ gia tiên để bên cạnh tro cốt của ba tôi.
Dĩ nhiên, tôi luôn cảm thấy tủi thân khi sau này mình có rơi vào hoàn cảnh như vậy sẽ không có ai chăm sóc tận tình, chu toàn hậu sự tận tâm như vậy.
Tôi chỉ cầu mong cho mình sau này ra đi nhanh-gọn-lẹ, không nằm bất động để không làm phiền người thân, họ hàng. Tôi nói với em gái là ai ra đi trước mới là người hạnh phúc khi có người thân còn lại lo hậu sự. Người ra đi sau cùng mới là đau khổ nhất, xót xa nhất và... cô đơn nhất.
Nếu tôi là người cuối cùng thì tôi chọn cuộc sống trong viện dưỡng lão. Nếu có con cái cũng chưa chắc sau này chúng báo hiếu mình, chăm sóc mình, nuôi nấng mình. Cho nên có con là có duyên, không có con là không còn nợ.
Anh từng chia sẻ có thể sẽ không kết hôn thêm lần nữa. Tuy nhiên, từ sự ra đi của mẹ, anh có định thay đổi quyết định này?
Từ lúc còn trẻ tôi đã luôn nhận ra một chân lý là cuộc sống trên thế gian này vốn vô thường. Không có điều gì là tồn tại mãi mãi như tình cảm, tiền bạc, thời gian, >sức khỏe hay hạnh phúc.
Gieo niềm vui được niềm vui, gieo nỗi buồn gặt nỗi buồn. Tôi từ trước đến nay luôn chọn thái độ sống tích cực, sống có ý nghĩa, có trách nhiệm, làm việc tốt, hành thiện, tu tập, có được thì cũng tốt, mà không có, đôi khi lại còn tốt hơn, biết dừng lại khi đã thấy đủ.
Bây giờ tôi chỉ biết dựa vào chính bản thân mình. Bởi thế, tôi lên kế hoạch dành dụm, mua bảo hiểm an sinh, gởi tiết kiệm ngân hàng để dành dưỡng già, chăm lo sức khỏe cho bản thân ngay từ bây giờ.
Cuối cùng biết đâu duyên phận mới sẽ đến khi tôi cố gắng mở lòng tìm kiếm, và biết đâu hạnh phúc mới cũng sẽ đến bất ngờ. Giờ tôi chỉ mong có người bạn đời, tri kỷ để cùng nhau sống nương tựa trọn phần đời còn lại.
Mẹ là người chứng kiến và đồng hành cùng tôi trong mỗi biến cố trong đời nên bà luôn động viên và an ủi tôi: "Không có vợ, không có con chưa phải điều gì tồi tệ nhất. Con chẳng nên u sầu hay than thân trách phận, chỉ là duyên chưa tới mà thôi".
Cảm ơn những chia sẻ chân tình của anh!