"Thấy tôi như vậy, mẹ rất buồn. Mẹ suy sụp, phải nằm trong bệnh viện một tháng. Mẹ ở viện một tháng, tôi cũng ở trong viện với mẹ một tháng", Nguyễn Văn Chung kể.
Bài hát "Nhật ký của mẹ" đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đến gần hơn với khán giả. Đặc biệt, ca khúc này cũng khiến Hiền Thục trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, sau nhiều năm bài hát ra đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mới kể về "nhân vật chính" trong ca khúc ấy. Đó cũng là những ký ức đẹp đẽ của anh về mẹ.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì mẹ anh là người phụ nữ của gia đình. Chồng đi làm từ sáng đến tối mới về nên bà ở nhà vừa bán hàng văn phòng phẩm vừa lo 3 đứa con, 4 đứa cháu. Công việc bận bịu nhưng lúc nào, bà cũng chăm sóc các con các cháu từng ly từng tí, từ cơm nước đến học hành.
Kỷ niệm mà Nguyễn Văn Chung nhớ nhất là em trai anh bị bắt cóc ngay trước cửa nhà. May mắn là ngày hôm sau, em trai Nguyễn Văn Chung đã được tìm thấy nhưng hình ảnh mẹ anh vừa chạy xe vừa khóc vừa gọi tên con, khiến nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" không bao giờ quên được.
Lúc đó, Nguyễn Văn Chung mới hiểu, mẹ luôn là người yêu con nhất, lo cho con nhất và cũng là người nghĩ đến sự an toàn của con nhiều nhất. Sau khi đi qua biến cố đó, Nguyễn Văn Chung bảo, anh ngoan hơn, không còn bướng bỉnh với mẹ như trước.
Gần đây, Nguyễn Văn Chung viết trên trang cá nhân: "Mong muốn lớn nhất của tôi là chỉ mong cho mẹ được khỏe mạnh, được sống càng lâu càng tốt với mình. Tôi chỉ cần như vậy thôi, còn lại những niềm vui, sự bình an, tôi sẽ tự tay mang đến cho mẹ".
Cũng vì xuất phát từ tâm niệm đó mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết rất nhiều bài hát về mẹ. Trong đó phải kể tới "Nhật ký của mẹ", "Thư của mẹ", "Mấy giờ con về", "Tối qua sáng nay", "8 lời nói dối của mẹ"...
Năm 2020, Nguyễn Văn Chung gặp biến cố lớn về hôn nhân gia đình. Anh chịu nhiều mất mát, tổn thương, nợ nần từ cú sốc này. Thấy anh quá buồn, mẹ anh xót con nên suy sụp, đổ bệnh.
Nhớ về quãng thời gian này, Nguyễn Văn Chung mới đây chia sẻ trên báo Pháp luật TP. HCM: “Thấy tôi như vậy, mẹ rất buồn. Mẹ suy sụp, phải nằm trong bệnh viện một tháng. Mẹ ở viện một tháng, tôi cũng ở trong viện với mẹ một tháng".
Nam nhạc sĩ tâm sự, có lần, anh gặp một giấc mơ rất thật. Đó là, khi anh về nhà, anh không thấy mẹ nữa. Anh đi vào bếp, chỉ thấy bếp tối thui, trên bàn không có đồ ăn. Anh gọi mẹ cũng không nghe trả lời. Anh đi lên lầu tìm mẹ, cũng không thấy bà.
Anh vô cùng hoảng sợ và khóc rất lớn. Khi tỉnh dậy, anh vẫn thấy mình còn đang rơi nước mắt. Sau giấc mơ ấy, anh càng trân trọng hơn những ngày mà mình còn được gặp mẹ. Mỗi ngày, anh đều về với mẹ, ngồi ăn cơm với mẹ, nói chuyện với mẹ và muốn làm những điều để cha mẹ thấy vui và tự hào về mình.
Việc anh sáng tác rất nhiều bài hát về gia đình cũng xuất phát từ điều đó. Và, với Nguyễn Văn Chung, dù viết về chủ đề nào thì ca từ phải nhân văn, với quan điểm đẹp đẽ trong nghệ thuật. Anh tin rằng, khi mọi người khen hay yêu thích bài hát của anh, thì chính là, anh đã trả hiếu cho cha mẹ.