Địa điểm phát hiện vết nứt lại nằm ngay phía trên đồi, cách thôn Kho Vàng khoảng 100m nên nhóm của anh đã về thông báo, vận động mọi người di dời.
Theo thông tin từ VietNamNet, tối 12/9, anh Ma Seo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) cho biết: “Hiện tình hình sức khoẻ của người dân trong thôn ổn định. Chiều qua, chính quyền đã vận chuyển lương thực, đồ dùng thiết yếu đến khu lán tránh nạn tạm thời nên người dân không còn phải lo thiếu thức ăn nữa”.
Anh Chứ là người vận động 17 hộ dân với 115 người thôn Kho Vàng di dời để lên nơi an toàn tại ngọn núi cách đó khoảng 1km.
Theo lời kể của anh Chứ, vào sáng 9/9, khi thấy mưa lớn nhiều ngày và chưa có dấu hiệu ngừng, anh đã huy động 7 thanh niên trong thôn thành một nhóm đi kiểm tra quanh quả đồi phía trên làng. Quá trình kiểm tra đã phát hiện một vết nứt rộng 20cm, dài khoảng 30m.
Đặc biệt, địa điểm phát hiện vết nứt lại nằm ngay phía trên đồi, cách thôn Kho Vàng khoảng 100m nên nhóm của anh đã về thông báo, vận động mọi người di dời.
Sau khi được trưởng thôn tuyên truyền, vận động, khoảng 12h ngày 9/9, 17 hộ dân bắt đầu di chuyển giữa trời mưa. Người dân vừa đi vừa đợi, hỗ trợ nhau, những người khoẻ mạnh được giao nhiệm vụ vác gạo. Sau 30 phút đi bộ, các hộ dân đã đến nơi dựng trại.
“Khi đoàn người đang di chuyển, tôi có bảo một nhóm đi trước khảo sát tình hình và chọn địa điểm dựng lán. Sau khi đến nơi, mỗi người một công việc giúp nhau chặt tre, luồng về dựng lán, làm giường rồi căng bạt. Khoảng 14h30, khu lán đã hoàn thành”, anh Chứ cho biết.
Sáng 11/9, công an xã, chính quyền phải di chuyển 15km đường sạt lở mới tiếp cận được địa bàn thôn và tìm đến nơi người dân lánh nạn. Trong khoảng thời gian đó, 17 hộ dân không thể thông tin liên lạc với bên ngoài, phải chủ động mọi thứ.
Nói về cuộc sống 2 ngày tách biệt với thế giới bên ngoài tại nơi trú tránh, anh Chứ cho biết, cuộc sống rất vất vả nhưng đây là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của 115 người.
“Chúng tôi chỉ đem theo chủ yếu là gạo và một chút thức ăn, khi hết thức ăn một số người sẽ đi vào rừng tìm măng luộc. Tuy nhiên việc đi lấy nước cũng vất vả khi nguồn nước cách khu dựng lán gần 400m. Đêm xuống, chúng tôi sẽ chặt ống tre sau đó đổ dầu vào để làm đèn chiếu sáng”, anh Chứ kể.
Theo thông tin từ báo Dân trí, ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết, khoảng 4h30 cùng ngày, trên địa bàn xã Hưng Thịnh xảy ra vụ >sạt lở đất làm đổ sập, vùi lấp 3 ngôi nhà, khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương.
Cũng theo ông Thư, 2 nạn nhân tử vong là vợ chồng sống trong một căn nhà. 3 người con của họ đã di dời trước mưa bão nên an toàn. Hiện nay, thi thể các nạn nhân đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Đồng thời đang tích cực khắc phục, dọn dẹp hiện trường.
Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã huy động 2 máy xúc, 3 ô tô vận chuyển đất đá để tìm kiếm các nạn nhân.
Sự cố sạt lở gây tắc đường đoạn Km305, quốc lộ 37 từ xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đi huyện Văn Chấn. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến 12h30 ngày 12/9, tại tỉnh Yên Bái đã có 40 người chết, 4 người mất tích.