Tin tưởng và cung cấp những thông tin cá nhân cho một người quen, ai ngờ các sinh viên lại bị vướng nợ nần lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, các sinh viên tại một số trường CĐ- ĐH Cần Thơ đã bị đứng tên mua hộ hàng trả góp. Thông qua một người bạn, người tên Đ. quen biết các sinh viên. Khi đó, Đ. giới thiệu công việc của mình là chạy doanh số cho các cửa hàng điện thoại di động.
Theo lời kể: Đ. nói với các sinh viên do các cửa hàng di động thiếu doanh số. Đ. nhờ đăng ký mua sản phẩm của cửa hàng để họ bù vào cho đủ. Tiền công được anh Đ. trả 400.000 đồng. Anh Đ. khẳng định hồ sơ trả góp được duyệt sẽ được hệ thống hủy sau 2 ngày. “Em chỉ việc đứng ra ký tên vay hộ mua trả góp, không cần cọc hay trả bất cứ chi phí nào”, sinh viên N. kể.
Ngay sau đó, N. được người tên Đ. dắt đến cửa hàng ở đường 30/4 (quận Ninh Kiều) làm hợp đồng mua chiếc MacBook Pro trị giá hơn 36 triệu đồng. “Thực tế, anh Đ. chỉ đưa em cái hộp MacBook Pro. Em ký tên vào tờ giấy nhỏ do anh nhân viên tổ chức tín dụng đưa. Tờ giấy đó em cũng không được giữ.
Đến thời điểm dịch vừa qua, em bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo đã trễ hẹn đóng tiền. Lúc đó, em mới biết mình bị lừa”, em N. kể và cho biết, do không có tiền đóng nên em thường xuyên bị gọi điện thoại, nhắn tin đòi nợ, làm ảnh hưởng đến tinh thần.
Sau khi biết mình bị lừa, N. đã gọi điện cho Đ. hỏi thì được trả lời: “anh đã lừa tụi em, thực chất anh dùng số tiền vay được để làm việc khác…”
Nhóm sinh viên ở Cần Thơ khác cũng bị mắc lừa tương tự. “Mỗi bộ hồ sơ đậu em sẽ được trả tiền công 400.000 đồng; mỗi người được làm tối đa 2 bộ hồ sơ. Sau đó, em cũng có giới thiệu cho 2 người nữa và được nhận thêm 150.000 đồng/người, tiền công. Anh Đ. khẳng định với em hồ sơ sẽ được hủy trong 2 ngày.”
Tuy nhiên, sau một thời gian, anh Đ. thú nhận là bị "bể nợ". Anh ấy nói lấy số tiền mà lừa tụi em ký vay để đem ra ngoài cho người khác vay lại. Đến giờ anh ấy không còn khả năng chi trả... Tổng số tiền em và đứa em trai đang bị nợ là khoảng 60 triệu đồng”.
Nữ sinh B.Đ.T.P. (sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) cho biết, bị người tên Đ. lừa ký vay khoảng 25 triệu đồng. Nữ sinh này cho biết, thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần cung cấp chứng minh thư, ký tên mua hàng.
Theo các em sinh viên, người tên Đ. đã dụ dỗ hàng trăm sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ đứng hồ sơ vay tiền mua hàng. “Đến giờ, anh Đ. đã trốn biệt tăm. Tụi em qua nhà tìm cũng không thấy anh ấy”, một sinh viên lo lắng nói và cho biết, mình liên tục bị nhắn tin, điện thoại đòi nợ.
Trong đơn gửi cơ quan công an, nhóm sinh viên trình bày hiện người tên Đ. đang lẩn trốn và chặn mọi liên lạc.
Sinh viên là một trong những đối tượng ở xã hội dễ bị lừa gạt và lợi dụng để thực hiện các ý đồ trái phép. Rất nhiều tình huống dở khóc dở cười về việc lừa gạt học sinh đã từng xảy ra. Đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tin và kinh nghiệm còn non nớt của các sinh viên để thực hiện kế hoạch phạm tội.
Cụ thể, một số hành vi mà sinh viên dễ gặp phải như:
1. Đa cấp
Đa số các sinh viên đều sẽ ít nhất một lần va chạm với hình thức kinh doanh đa cấp này. Những người đa cấp thường mặc vest chỉn chu, đầu tóc bóng bẩy với những lời mời chào ‘trên trời', ngọt như mía lùi.
Nếu như có ai lạ mặt lân la rủ rê đi hội thảo, gặp gỡ doanh nhân này kia hoặc tự dưng có người inbox tư vấn về một hình thức kinh doanh nào đó thì đích thị là chiêu dụ của những người bán hàng đa cấp.
2. Việc làm không rõ ràng
Tâm lý chung của các bạn sinh viên mới xuống học là muốn tìm ngay một công việc làm thêm để lo tiền học. Vì vậy, hàng loạt các trung tâm môi giới tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên được dán tràn lan và vứt bừa bãi tại các bến xe buýt, cổng trường hay được dán trên các cột điện, bảng tin.
Những công việc này thường ghi tuyển nhân viên kinh doanh, chỉ có số điện thoại liên lạc, không có thông tin rõ ràng về công ty đa số là lừa đảo.
3. Mời mua đồ nhân đạo
Một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn sinh viên, đóng giả tật nguyền hoặc người nghèo khổ rồi mời mua ủng hộ các đồ dùng nhân đạo như tăm, bút bi, bông ngoáy tai. Thậm chí nếu chưa quyết định mua những người này cũng dúi thẳng vào tay của bạn rồi nhanh chóng xin họ tên, số điện thoại để ghi vào sổ những tấm lòng hảo tâm.
4. 'Cò' nhà trọ giá rẻ
Những tờ giấy nhà trọ mới xây, giá rẻ được dán ở các cột đèn, cột điện thì 90% là lừa đảo. Họ không ghi địa chỉ nhà cụ thể mà chỉ ghi số điện thoại để liên hệ.
Những người này sẽ dẫn bạn đi vòng vèo các chốn, rồi dẫn bạn tới một địa chỉ bất kỳ, nếu bạn không ưng ý địa chỉ này thì vẫn phải trả cho họ từ 100.000 – 200.000 đồng tiền phí ‘đưa đi'. Nếu bạn phản kháng lại hoặc có ý kiến sẽ lập tức bị đe dọa.
5. Lớp kỹ năng, tiếng Anh giá rẻ, miễn phí
Các bạn sinh viên mới nhập học đều bị đánh vào các khóa học, lớp học ‘miễn phí' để nâng cao trình độ, cải thiện kỹ năng. Thủ tục đăng ký đơn giản, lại miễn phí hoàn toàn nên nhiều bạn trẻ đã hào hứng mà không biết đang dính bẫy lừa.
Tuy thông báo là miễn học phí hoặc giảm giá kịch liệt, nhưng khi đăng ký ghi danh, bạn vẫn phải chi một khoản ‘kha khá' cho những thứ khác như thuê phòng, tiền điện, tiền bồi dưỡng giáo viên. Nếu muốn tham gia trau dồi các lớp kỹ năng, tiếng Anh thì bạn nên tìm hiểu kỹ những trung tâm, giáo viên uy tín.