Phóng viên y tế Fiona Callingham tại Anh cho biết cô đã nghe nhiều về lợi ích của trà nghệ nên đã thử kiên trì uống thức uống này trong 2 tuần.
Nghệ là một loại gia vị có màu vàng cam, được người châu Á sử dụng phổ biến với với nhiều lợi ích cho >sức khỏe khác nhau.
Không chỉ dừng lại là một loại gia vị được nêm nếm vào các món ăn, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nghệ có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe nhất định bao gồm kháng viêm, giảm tình trạng đầy hơi, ngăn ngừa >mỡ máu, giảm đau nhức cơ bắp và tăng cường sức khỏe thận.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng lợi ích sức khỏe này đến từ hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong >củ nghệ có tên là curcumin. Curcumin có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm hiệu quả.
Fiona cho biết, khi tìm hiểu về các lợi ích của nghệ, cô vô cùng tò mò nên đã quyết định thêm nghệ vào trong chế độ ăn uống hàng ngày của bản thân.
Fiona cho biết trước đó vào tháng 9, cô mắc COVID-19 và sau đó lại phải phẫu thuật điều trị lạc nội mạc tử cung.
Fiona chia sẻ: “Cuộc phẫu thuật và COVID-19 khiến cơ thể tôi đau nhức, mệt mỏi, đầy hơi và các cơn chuột rút gây đau đớn. Vì vậy, thời điểm đó tôi rất muốn thử các biện pháp điều trị tự nhiên để đẩy nhanh quá trình phục hồi và tôi đã nghĩ đến nghệ".
Trước khi thêm nghệ vào chế độ ăn uống, Fiona cho biết cô cũng đã tham khảo ý kiến của bác sĩ Sarah Sadek. Bác sĩ cũng cho biết nghệ mang đến những lợi ích sức khỏe đáng chú ý, bao gồm các đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và tăng cường tiêu hóa.
Bác sĩ Sarah cũng gợi ý: “Bạn có thể thêm nghệ vào chế độ ăn uống hàng ngày chẳng hạn như thêm vào các món ăn hoặc sử dụng đồ uống chứa nghệ”.
Chuyên gia Sarah bổ sung: “Nghệ có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột, giúp giảm các vấn đề như khó tiêu hoặc đầy hơi. Các đặc tính chống viêm của nghệ có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tình trạng viêm, chẳng hạn như bệnh tim mạch và tiểu đường”.
Sau khi tìm hiểu kỹ càng, tôi nghĩ rằng thêm nghệ vào chế độ ăn uống sẽ không có hại gì cho sức khỏe nên tôi đã tự pha trà nghệ để uống 2 lần/ngày.
“Công thức tôi sử dụng vô cùng đơn giản, đó là thêm một ít bột nghệ, một thìa cà phê mật ong, một chút nước cốt chanh vào một cốc nước nóng”, Fiona cho biết.
Fiona nói: “Tôi thực sự rất thích hương vị của trà nghệ, nó thậm chí còn ngon hơn cả loại trà truyền thống”.
Và với những chia sẻ từ chuyên gia, Fiona đã vô cùng kỳ vọng vào các lợi ích sức khỏe mà nghệ có thể đem đến cho sức khỏe của cô. Fiona đã uống trà nghệ 2 lần/ngày liên tục trong 2 tuần.
Fiona cho biết: “Sau 2 tuần uống trà nghệ, thành thật mà nói, tôi vẫn cảm thấy đầy hơi và đau đớn, dù vậy tình trạng đầy hơi của tôi đã có thuyên giảm đi đôi chút”.
Fiona cho biết có lẽ là do cơ thể cô vẫn chịu tác động nặng nề từ ca phẫu thuật và cơ thể cô có lẽ cần thêm thời gian để hồi phục chứ không chỉ dựa vào trà nghệ.
Fiona cho biết cô không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào quá rõ rệt sau khi sử dụng trà nghệ.
Giải thích về trường hợp của Fiona, bác sĩ Deborah Lee, từ Dr Fox Online Pharmacy, Anh cho biết: “Thực tế, thêm nghệ vào món ăn hoặc đồ uống không mang lại quá nhiều lợi ích rõ rệt cho sức khỏe vì curcumin chỉ chiếm 3% trong nghệ”.
“Thêm nữa, nghệ không được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Do vậy, nếu muốn nhận được các lợi ích từ nghệ, bạn cần dùng liều lượng lớn”, bác sĩ Deborah Lee bổ sung.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm bổ sung nghệ, vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy và đau dạ dày.
Bác Lee cho biết: “Trước khi thêm nghệ vào chế độ ăn uống, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để tránh gặp các phản ứng phụ”.
Fiona cho biết, mặc dù hiện tại uống trà nghệ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt như cô mong muốn nhưng cô vẫn sẽ tiếp tục uống trà nghệ hàng ngày và theo dõi xem sức khỏe có những biến đổi tích cực rõ rệt nào hay không.