Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giảm thiểu tình trạng viêm khớp ở những người trong độ tuổi trung niên.
Theo Healthline, khi tình trạng viêm xảy ra, cơ thể sẽ tạo ra các phân tử được gọi là gốc tự do. Các gốc tự do hình thành trong cơ thể phản ứng với chất độc và các quá trình tự nhiên, bao gồm cả chứng viêm. Khi có quá nhiều gốc tự do tích tụ sẽ dẫn đến kết quả là stress oxy hóa (hay căng thẳng oxy hóa), góp phần gây tổn thương tế bào và mô khắp cơ thể.
Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp trì hoãn sự khởi phát hoặc tiến triển của viêm xương khớp.
Tăng cường thực phẩm lành mạnh
Vitamin C: Vitamin C là một loại vitamin và chất chống oxy hóa. Cơ thể cần vitamin C để tạo sụn, bảo vệ xương khớp. Nó cũng có thể giúp loại bỏ các gốc tự do và ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng >viêm khớp.
Thực phẩm nhiều vitamin C bao gồm: Trái cây đu đủ, ổi, dứa, cam, bưởi, dâu tây, kiwi…, các loại rau họ cải, súp lơ, bông cải xanh và cải xoăn, ớt chuông, cà chua.
Vitamin D và canxi: Một số nhà khoa học cho rằng, vitamin D có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát viêm xương khớp. Vitamin D có thể bổ sung thông qua việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hàng ngày, hoặc một số thực phẩm giàu vitamin D, canxi hoặc cả hai bao gồm: hải sản như cá hồi đánh bắt tự nhiên, cá tuyết, cá mòi và tôm; cá đóng hộp, (như cá ngừ); sữa tăng cường và các sản phẩm sữa khác; trứng; sữa chua; các loại rau lá xanh; ngũ cốc ăn sáng, đậu hũ…
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vì một số chất bổ sung có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Beta caroten: Beta carotene là một chất chống oxy hóa mạnh, có lợi cho da, mắt và tóc, có trong các loại rau họ cải, rau xanh, rau diếp, rau chân vịt, bí ngô, dưa lưới, mùi tây, mơ, lá bạc hà, cà chua, măng tây …
Axit béo omega-3: Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng việc hấp thụ nhiều axit béo omega-3 hơn so với axit béo omega 6 có thể giúp ngăn ngừa viêm xương khớp.
Thực phẩm có chứa nguồn axit béo omega-3 tốt là: Cá hồi tươi hoặc đóng hộp, cá trích, cá thu (nhưng không phải cá thu vua), cá mòi, cá cơm, cá hồi, hàu, trứng, hạt lanh và dầu hạt lanh, quả óc chó….
Axit béo omega-6 có trong thịt và gia cầm, ngũ cốc, trứng, các loại hạt và một số loại dầu thực vật.
Bioflavonoid: Bioflavonoids là một nhóm hợp chất có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như quercetin và anthocyanidins, có đặc tính chống oxy hóa mạnh. Quercetin có đặc tính chống viêm và những phát hiện từ các nghiên cứu trên động vật chứng minh rằng nó có thể đóng vai trò điều trị viêm xương khớp.
Các nguồn quercetin tốt bao gồm: Hành tây, cải xoăn, tỏi tây, cà chua, cherry, bông cải xanh, quả việt quất, nho đen, quả nam việt quất, bột ca cao, trà xanh, quả mơ, táo
Gia vị: Các chất >dinh dưỡng trong một số loại gia vị (đặc biệt là gừng và nghệ) cũng có tác dụng chống viêm.
Trong một nghiên cứu nhỏ, 30 người dùng 1 gam bột gừng mỗi ngày trong 8 tuần đã giảm đau đầu gối và cải thiện khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống.
Các thực phẩm cần tránh
Ngược lại, một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ oxy hóa và mức độ viêm, người ở độ tuổi trung niên nên tránh bao gồm: thực phẩm chế biến cao; thực phẩm có chứa đường; chất béo không lành mạnh; thịt đỏ…
Ngoài ra, để tăng cường sức khoẻ xương khớp, mọi người cần chú ý kiểm soát cân nặng cơ thể bằng cách theo dõi lượng thức ăn.
Bên cạnh kiểm soát chế độ ăn uống, việc bổ sung thực phẩm chức năng được nhiều người lựa chọn nhằm giảm thiểu chứng viêm khớp.