Một món ăn được bày bán rộng rãi tại Việt Nam, đa số ai cũng ăn được lại trở thành một món ăn bị cấm tuyệt đối tại Singapore.

Yến Nhi ( TH ) 11:45 04/07/2023

Theo thông tin ghi nhận từ VietNamNet, tiết là một thành phần khá phổ biến trong nhiều món ăn trên thế giới bao gồm cả Việt Nam nhưng lại bị cấm tiêu thụ ở Singapore. Mọi hoạt động buôn bán, tích trữ đều bị coi là bất hợp pháp ở đây. 

Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) từng điều tra một nhà hàng Thái Lan tại Golden Mile Tower vì bán món ăn có chứa >tiết lợn. Ngoài ra, một người phụ nữ đã bị phạt gần 6.000 USD vì bán qua mạng các sản phẩm chứa tiết lợn. SFA đã thu giữ khoảng 30kg tiết. 

 Tiết lợn là một thành phần khá phổ biến trong nhiều món ăn trên thế giới bao gồm cả Việt Nam - Ảnh minh họa: Internet

Các sản phẩm chế biến từ tiết (lợn) bị cấm ở Singapore vì tiết có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều bệnh tật. Việc giết mổ không hợp vệ sinh có thể đưa mầm bệnh vào món ăn”, SFA giải thích. 

 Cơ quan Thú y và Thực phẩm Nông nghiệp Singapore (AVA) đã cấm việc lấy máu lợn từ lò mổ địa phương trong đợt bùng phát virus Nipah vào năm 1999.

Người phát ngôn của AVA cho biết, máu là nguồn lây truyền tiềm năng của virus và các mầm bệnh khác. Kể từ đó, các lò mổ của Singapore đã không cung cấp tiết lợn và SFA cũng không chấp nhận bất kỳ nguồn tiết lợn nào nhập khẩu vào nước này.

Trung tâm quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Singapore cho hay, các trường hợp nhiễm virus Nipah ở người xảy ra từ tháng 9/1998 đến tháng 6/1999 tại Malaysia và Singapore. Sau đó, họ không ghi nhận các ca bệnh mới. 

Đợt bùng phát ở Singapore ban đầu được cho là do virus viêm não Nhật Bản do muỗi truyền. Tuy nhiên, các ca bệnh ở Malaysia xuất hiện ở những người tiếp xúc gần với lợn. 

Tiết lợn là món ăn bị cấm tại Singapore -  Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, các nhà chức trách đã ngay lập tức thực hiện một số biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào Singapore, bao gồm dừng nhập khẩu lợn sống từ các trang trại bị ảnh hưởng ở Malaysia, tăng tần suất phun thuốc diệt bọ gậy để tiêu diệt muỗi.

Tất cả những người làm ở lò mổ và buôn bán lợn ở Singapore cũng được yêu cầu đi kiểm tra >sức khỏe. 11 người ở Singapore đã nhiễm virus, với một trường hợp tử vong. Virus Nipah gây viêm não và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với lợn, dơi hoặc người nhiễm bệnh.

Theo quy định của Singapore, bất kỳ ai nhập khẩu và bán  các sản phẩm chứa tiết lợn có thể bị phạt tới 37.000 USD hoặc bị phạt tù tới 2 năm hoặc cả hai. Trong những lần bị kết án tiếp theo, họ có thể bị phạt tới 74.000 USD, bị phạt tù tới 3 năm hoặc cả hai. 

3 đối tượng tuyệt đối không nên ăn tiết lợn

Người mắc bệnh tim mạch không nên ăn tiết lợn

Tiết lợn có hàm lượng cholesterol cao. Do đó, người bị bệnh tim mạch hoặc có lượng cholesterol trong máu cao nên tránh ăn món này. Người đang trong quá trình điều trị chứng bệnh máu đông cũng không được ăn tiết lợn.

Người bị chảy máu đường tiêu hóa không nên ăn tiết lợn

Tiết lợn chứa nhiều sắt tuy rất bổ máu nhưng ăn nhiều sẽ khiến phân có màu đen. Trong khi đó, người bị chảy máu đường tiêu hóa cũng có dấu hiệu đi ngoài phân đen. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra cũng như điều trị của bác sĩ.

Người chảy máu đường tiêu hóa không nên ăn tiết lợn  - Ảnh minh họa: Internet

Người bị xơ gan không nên ăn tiết lợn

Người khỏe mạnh ăn tiết lợn có tác dụng bổ máu, bổ gan. Tuy nhiên, người xơ gan tiêu thụ nhiều sản phẩm này lại làm dư thừa lượng protein, khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Những lưu ý khi ăn tiết lợn

Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên ăn quá nhiều tiết lợn cùng lúc. Cơ thể con người khó có thể hấp thụ nhiều sắt trong khoảng thời gian ngắn.

Thậm chí, nếu lượng sắt quá nhiều có thể dẫn tới ngộ độc. Nếu bị tình trạng này, bạn có thể nôn mửa, đau dạ dày và bị các phản ứng có hại cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyên, bạn chỉ nên ăn tiết lợn một lần một tuần hoặc 2-3 lần trong một tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm tới việc bổ sung nhiều chất >dinh dưỡng khác cho cơ thể.

Thêm vào đó, không phải tất cả mọi người đều thích hợp ăn món tiết lợn. Các trường hợp bị chảy máu đường ruột tốt nhất không nên ăn. Danh sách đối tượng cần tránh xa món ăn này còn có người có mỡ máu cao, huyết áp không ổn định, cholesterol cao.

Khi mua và chế biến các món ăn từ tiết lợn, người nội trợ cũng cần chú ý. Thực phẩm phải tươi mới, được lấy trong ngày là tốt nhất, không mua khi tiết có màu sắc, mùi khác lạ. 

Những lưu ý khi ăn tiết lợn - Ảnh minh họa: Internet

Chỉ cần có dấu hiệu ôi thiu, tiết lợn có thể gây ra tiêu chảy, nôn mửa và các rối loạn đường tiêu hóa khác.

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo không ăn tiết canh bởi nguy cơ mắc các bệnh trong đó có nhiễm liên cầu khuẩn lợn rất cao.

Trong trường hợp lợn bị bệnh chết, kể cả nấu chín, bạn cũng không được ăn tiết lợn.

Nếu sau khi ăn tiết, có hiện tượng tiêu chảy, sốt cao, xuất huyết dưới da, bệnh nhân cần tới ngay bệnh viện để điều trị.

Yến Nhi ( TH ) | Theo Phụ nữ sức khỏe