Khoai lang là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng bạn cần ăn đúng cách, đúng thời điểm để tận dụng lợi ích dinh dưỡng, giúp giảm cân hiệu quả.
Khoai lang là thực phẩm quen thuộc của nhiều gia đình. Dưới đây là những tác dụng của >khoai lang đối với >sức khỏe. Củ khoai lang là nguồn cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất, riboflavin, thiamine, niacin và carotenoid. Chính nhờ những thành phần >dinh dưỡng này mà củ khoai lang có thể hỗ trợ bạn phòng và chữa nhiều bệnh mãn tính, tăng cường giảm cân, cải thiện làn da và mái tóc. Tác dụng của khoai lang phụ thuộc nhiều vào giá trị dinh dưỡng của nó. Trong 100g củ khoai lang có hàm lượng đáng kể các chất dinh dưỡng, khoáng chất cùng nhiều vitamin sau: Canxi: 38mg; Chất xơ: 3,3g; Năng lượng: 90kcal; Chất béo: 0,15g; Sắt: 0,69mg; Magie: 27mg; Mangan: 0,5mg; Vitamin A: 961 μg; Vitamin B6: 0,29mg; Vitamin C: 19,6mg; Vitamin E: 0,71mg...
Hỗ trợ tiêu hóa
Khoai lang cung cấp chất xơ hòa tan, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2018 đã tiết lộ rằng khoai lang tím thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
Tăng cường trí nhớ
Khoai lang chứa anthocyanin, chất chống oxy hóa mạnh. Anthocyanin được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ cũng như tăng cường sự tập trung. Không chỉ với người lớn, một nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thực phẩm giàu anthocyanin giúp hỗ trợ tăng cường sự tập trung và chú ý ở trẻ em. Chế độ ăn giàu trái cây, rau quả trong đó có khoai lang có thể hỗ trợ giảm 13% nguy cơ suy giảm tinh thần và sa sút trí tuệ.
Hỗ trợ phòng ngừa ung thư
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra, khoai lang chứa những chất oxy hóa mạnh mẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Trong khoai lang tím chứa nhiều anthocyanin là chất giúp làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư bàng quang, ruột kết, dạ dày và vú. Ăn khoai lang hỗ trợ giúp giảm khả năng mắc bệnh ung thư ruột kết giai đoạn đầu. Khoai lang cam và vỏ khoai chứa các chất được phát hiện có tác dụng hỗ trợ phòng các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đại trực tràng...
Duy trì quản lý cân nặng
Khoai lang chứa ít calo nên hoàn toàn có thể sử dụng khoai lang trong các bữa ăn hàng ngày mà không lo bị tăng cân. Khoai lang chứa một lượng chất xơ có thể lên men và hòa tan nên sẽ giúp cơ thể có được cơ chế tự duy trì và điều chỉnh cân nặng tự nhiên. Các chất xơ trong đó có pectin sẽ giúp giảm lượng thức ăn hiệu quả và làm tăng hoạt động của các hormone trong cơ thể.
Ăn khoai lang buổi sáng
Ăn một củ khoai lang vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy và trước khi tập thể dục 30 phút cung cấp năng lượng cho cơ thể, tăng cảm giác no, hạn chế thèm ăn vặt và giúp giảm khẩu phần vào các bữa tiếp theo. Bạn có thể ăn một hoặc hai củ khoai lang kèm trứng luộc, thịt ức gà hoặc cá, thêm một cốc sữa tươi hoặc sữa đậu nành không đường.
Ăn khoai lang buổi trưa
Ăn một củ khoai lang trước bữa trưa giúp lấp đầy dạ dày, hạn chế ăn quá nhiều. Nếu dùng khoai lang trong bữa trưa, bạn có thể ăn hai củ khoai lang luộc kèm thịt lợn nạc, thịt ức gà, cá... cùng rau củ luộc và hoa quả. Ăn khoai lang vào bữa trưa còn tăng cường canxi cho cơ thể vì sau khi ăn, canxi trong khoai lang cần 4-5 tiếng mới hấp thụ vào cơ thể. Ánh nắng mặt trời vào buổi chiều có thể thúc đẩy sự hấp thụ canxi này.
Không nên ăn khoai lang vào buổi tối
Tránh ăn khoai lang vào buổi tối vì thời điểm này, tốc độ trao đổi chất của cơ thể chậm lại, do đó, hàm lượng đường trong khoai lang dễ tích tụ, tăng gánh nặng cho cơ thể. Ăn khoai lang vào buổi tối dễ gây trào ngược axit dạ dày. Những người dạ dày yếu hoặc người cao tuổi có thể phải đối mặt với tình trạng đầy bụng, khó tiêu, mất ngủ.
Không nên ăn khoai để lâu
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm vàng để ăn khoai lang là khi nó mới đào lên. Đây là lúc khoai giàu dưỡng chất nhất. Càng để lâu, lượng nước trong khoai lang càng giảm, lượng đường càng tăng, tinh bột trong khoai lang bị biến đổi và các khoáng chất cũng dần mất đi... Khi đó, cơ thể sẽ không nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ khoai lang và có thể gây tăng cân.
Người đang đói
Trong khoai lang có nhiều đường, nếu ăn nhiều, đặc biệt là lúc đói sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, bạn cần luộc chín trước khi ăn, hoặc khi luộc cho ít rượu để hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, bạn có thể pha nước gừng để uống. Quan trọng là bạn cần lưu ý không ăn khoai lang khi đói.
Người bị thận
Những người mắc bệnh thận tuyệt đối không nên ăn khoai lang vì trong khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin A…, khi thận yếu chức năng loại bỏ lượng kali dư thừa bị hạn chế, sẽ gây ra những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Người có hệ tiêu hóa không tốt
Những người có hệ tiêu hóa không tốt, thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng không nên ăn nhiều khoai lang vì lúc ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi trướng bụng.
Người có bệnh về dạ dày
Nếu ăn khoai lang khi đói bụng rất dễ làm kích thích tiết axit dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của dạ dày. Đặc biệt, những người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, hoặc người có chức năng tiêu hóa yếu, dễ dẫn đến đau bụng, viêm loét dạ dày, bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính nên tránh việc ăn khoai lang để không làm cho tình trạng đau trở nên tồi tệ hơn.