Loại quả này không quá phổ biến, chủ yếu mọc hoang trong rừng. Song chúng mang nhiều giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ.
Quả bứa hay còn gọi là măng cụt rừng, có tên khoa học là Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth, tên tiếng Anh là Garcinia cambogia. Ở Việt Nam, loại quả này không quá phổ biến, chủ yếu mọc hoang trong rừng thứ sinh của các tỉnh từ Tuyên Quang, Hà Giang đến Quảng Nam, Đà Nẵng, có nhiều ở miền Trung, Tây Nguyên và vùng ven sông rạch Nam Bộ như Phú Quốc. Ở Hải Phòng, Quảng Ninh cũng có loại cây này tuy nhiên số lượng không nhiều.
Loại quả này có lớp vỏ dày bên ngoài. Phần thịt bên trong chia làm nhiều múi mọng nước tương tự như măng cụt. Quả bứa có mùi hương dễ chịu, vỏ màu xanh và khi chín chuyển màu vàng. Do mùa bứa chỉ có khoảng 2 tháng, từ tháng 6-8 Âm lịch hàng năm nên nhiều người sẽ lựa quả chín vàng phơi khô để dành sử dụng lâu dài.
Theo Sức khoẻ & Đời sống, người dân ở một số địa phương còn lựa những trái bứa già đem băm với tỏi, ớt đến khi nhuyễn, nêm thêm đường, bột ngọt rồi bảo quản trong tủ lạnh. Khi cần ăn, bạn có thể thêm nước mắm hoặc ướp luôn ở giai đoạn mới làm tùy theo sở thích từng người.
Nhiều người thường sử dụng loại quả này làm gia vị cho các món như canh chua, nước rau muống luộc hoặc cá kho. Với nồi canh chua, chỉ cần 1 trái bứa nhỏ là đủ vị. Phổ biến là món cá linh nấu canh chua bứa, cá linh kho bứa, ở miền biển thì dùng trái bứa nấu với hải sản như cá, ngao... Với món nướng như thịt, cá, lấy trái bứa nướng chín để dầm làm nước chấm ăn kèm. Cá kho cũng chỉ cần 1 – 2 >quả bứa kết hợp với các gia vị như riềng, ớt đi kèm đã đủ khiến nồi cá kho vùi bếp rơm thêm quyến rũ.
Ngoài làm gia vị trong chế biến một số món ăn, loại quả này còn được sử dụng như vị thuốc trong Đông y. Theo Netmeds, vỏ của quả bứa có hàm lượng phytochemical cao bao gồm axit hydroxycitric và các hợp chất khác như polyphenol, luteolin và kaempferol. Cứ khoảng 100 gam vỏ chứa khoảng 17,2g carbohydrate; 0,5g chất béo; 2,3g protein; 1,24g chất xơ; 15,14 mg sắt; 250 mg canxi; 10 mg axit ascorbic và 18,10 mg axit oxalic. Nhờ hàm lượng >dinh dưỡng cao, loại quả này có nhiều lợi ích đối với >sức khỏe.
Các nhà khoa học đã phát hiện vỏ của quả bứa có chưa một hoạt chất gọi là axit hydroxycitric (HCA), đã được chứng minh là có một số đặc tính >giảm cân. HCA có thể giúp bạn ăn ít hơn và giảm cân bằng cách làm tăng serotonin trong não. Bằng cách tăng mức serotonin, HCA trong quả bứa có thể cải thiện tâm trạng và ngăn chặn hiện tượng ăn uống vô độ khi cơ thể cảm thấy chán nản. Khi bạn ăn ít hơn, cơ thể sẽ cảm nhận được điều này và giải phóng chất béo dự trữ trong các tế bào mỡ.
Loại quả này còn có thể ức chế một loại enzyme gọi là citrate lyase. Loại enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất béo. Bằng cách ức chế citrate lyase, quả bứa được cho là làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình sản xuất chất béo trong cơ thể bạn. Điều này có thể làm> giảm mỡ máu và giảm nguy cơ tăng cân.
Ngoài ra, quả bứa còn chứa nhiều vitamin C trong khi vỏ quả chứa lượng lớn hoạt chất flavonozit bổ sung dưỡng chất có lợi cho người cần giảm cân.
Các nhà khoa học tại ĐH Houston (Mỹ) phát hiện chất HCA có trong quả bứa có thể làm chậm quá trình tích tụ oxalat và canxi. Kết quả nghiên cứu được đánh giá là rất hứa hẹn cho các bệnh nhân sỏi thận, nhất là khi phương pháp điều trị sỏi thận hầu như không có gì thay đổi trong 30 năm qua, theo Daily Mail.
“HCA cho thấy đây là hợp chất rất hứa hẹn giúp điều trị sỏi thận cho bệnh nhân”, tiến sĩ Jeffrey Rimer, người dẫn đầu nghiên cứu tại Đại học Houston, cho hay.
Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn những người khác. Mà quả bứa có tác dụng giảm cân và cải thiện mức chất béo trung tính trong máu, nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, quả bứa còn làm giảm viêm, cải thiện cân bằng và kiểm soát lượng đường trong máu, làm tăng độ nhạy insulin. Kết hợp với việc giảm trọng lượng cơ thể tổng thể và kiểm soát các yếu tố này, loại quả này có thể có tác động đáng kể đến những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc những người đang phải đối mặt với các vấn đề trao đổi chất khác.
Dẫu quả bứa có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Song quả bứa cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Vì vậy, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ăn loại quả này.
Nếu ăn quả bứa gặp các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu và các triệu chứng khác về dạ dày, đường ruột, đường hô hấp trên... thì nên theo dõi và hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng của mình.
Tổng hợp Daily Mail, Sức khoẻ & Đời sống, Netmeds