Loại hạt đang được nói đến chính là ca cao.
Ca cao là loại cây nông sản nổi tiếng của nước ta. Vào năm 2018, Hội đồng Ca cao Quốc tế (ICC) đã xếp >ca cao Việt Nam vào nhóm đạt hương vị tốt nhất. Hiện ở nước ta, ca cao được trồng chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Hạt ca cao được dùng để sản xuất socola, làm bánh kẹo hoặc pha đồ uống. Loại hạt này không chỉ có hương vị thơm ngon đặc trưng mà còn có rất nhiều lợi ích cho >sức khỏe.
Dưới đây là một số tác dụng của hạt ca cao.
1. Giàu polyphenol, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Polyphenol là chất chống oxy hóa tự nhiên có trong thực phẩm như trái cây, rau củ, trà, socola,... Loại chất này có nhiều tác dụng với sức khỏe, như giảm viêm, giúp lưu thông máu tốt hơn, hạ huyết áp, cải thiện lượng cholesterol và đường trong máu.
Ca cao là một trong những nguồn giàu polyphenol nhất. Flavanol là một polyphenol có rất nhiều trong ca cao có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm mạnh. Tuy nhiên, quá trình chế biến và sấy nóng có thể làm giảm đi các đặc tính có lợi của hạt ca cao. Đồng thời, theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Frontiers in Nutrition vào năm 2017, việc xử lý bằng kiềm để giảm vị đắng của ca cao cũng làm giảm tới 60% hàm lượng flavanol. Mặc dù vậy, ca cao vẫn là một nguồn polyphenol tuyệt vời, nhưng không phải tất cả các sản phẩm có chứa ca cao đều mang lại những lợi ích như nhau.
2. Giảm huyết áp
Ca cao dạng bột hoặc khi được chế biến thành socola đen đều có thể giúp giảm huyết áp.
Tác dụng này được biết đến lần đầu tiên khi những người dân sinh sống tại một hòn đảo ở Trung Mỹ có huyết áp thấp hơn so với những người sinh sống trong khu vực đất liền. Điểm lưu ý là những người dân sinh sống tại hòn đảo này có thói quen thường xuyên uống ca cao.
Các nhà khoa học cho rằng lượng flavanol trong ca cao có tác dụng cải thiện nồng độ oxit nitric trong máu. Điều này có thể tăng cường chức năng của mạch máu và giúp giảm huyết áp.
3. Giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ
Ngoài tác dụng hạ huyết áp, ca cao còn có tác dụng giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tác dụng cải thiện mức độ oxit nitric trong máu giúp thư giãn mạch máu, cải thiện lưu lượng máu. Không những thế, ca cao còn giúp giảm cholesterol "xấu".
Ca cao cũng có tác dụng chống cô đặc máu, giảm kháng insulin và giảm viêm. Tất cả các đặc tính này đều có tác dụng giảm nguy cơ đau tim, suy tim và đột quỵ.
Một đánh giá của 9 nghiên cứu trên 157.809 người cho thấy tiêu thụ nhiều socola hơn có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong.
Hai nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy ăn 19-30g socola mỗi ngày giúp làm giảm tỷ lệ suy tim. Tuy nhiên, hiệu quả này sẽ mất đi nếu ăn nhiều hơn số lượng trên.
Nhìn chung, tất cả các kết quả đều cho thấy tiêu thụ thường xuyên socola có thành phần ca cao cao có thể giúp bảo vệ sức khỏe trái tim.
4. Cải thiện lưu lượng máu lên não và bảo vệ chức năng não
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng polyphenol trong ca cao có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh bằng việc cải thiện chức năng não bộ cũng như lưu lượng máu tới não.
Flavanol tham gia vào quá trình sinh hóa tạo ra tế bào thần kinh và các phân tử quan trọng đối với chức năng não bộ. Ngoài ra, flavanol còn góp phần sản xuất oxit nitric, giúp thư giãn các cơ của mạch máu, cải thiện lưu lượng máu và cung cấp máu cho não.
Trong một nghiên cứu kéo dài 2 tuần, 34 người cao tuổi được cho uống ca cao có hàm lượng flavanol cao. Kết quả cho thấy lưu lượng máu lên não ở những người tham gia tăng 8% sau một tuần và 10% sau hai tuần.
Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy việc tiêu thụ flavanol trong ca cao hàng ngày có thể cải thiện hoạt động tinh thần ở cả người bị và không bị suy giảm trí tuệ.
5. Hỗ trợ phòng ngừa đái tháo đường
Ca cao có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa đái tháo đường. Các nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra rằng flavanol trong ca cao có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate trong ruột, cải thiện bài tiết insulin, giảm viêm và kích thích hấp thu đường từ máu vào cơ.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hấp thụ nhiều flavanol hơn, bao gồm cả flavanol từ ca cao, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Ngoài ra, một đánh giá về các nghiên cứu ở người cho thấy ăn socola đen hoặc ca cao giàu flavanol có thể cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời giảm viêm ở người mắc và không mắc bệnh đái tháo đường.
6. Hỗ trợ phòng ngừa ung thư
Flavanol trong trái cây, rau củ và các loại thực phẩm khác đã được chứng minh có đặc tính hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Food and Chemical Toxicology, ca cao có nồng độ flavanol cao nhất trong số tất cả các loại thực phẩm tính theo trọng lượng. Chính vì thế, tiêu thụ ca cao là cách đơn giản để bổ sung thêm flavanol vào chế độ ăn uống.
Các nghiên cứu về các thành phần của ca cao được thực hiện trong ống nghiệm cho thấy ca cao có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các phân tử độc hại, chống viêm. Các thành phần này cũng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và tiêu diệt các tế bào đó.
Các nghiên cứu trên động vật áp dụng chế độ ăn nhiều ca cao hoặc chiết xuất ca cao đã cho thấy kết quả tích cực trong việc giảm ung thư vú, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, gan, đại tràng và bạch cầu.
Các nghiên cứu ở người cũng đã chỉ ra chế độ ăn giàu flavanol có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, để chắc chắn về công dụng này, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa.
Lưu ý khi dùng ca cao
Mặc dù ca cao có nhiều lợi ích với sức khỏe, tuy nhiên không nên lạm dụng. Đồng thời, nên sử dụng ca cao càng ít chế biến càng tốt.
Ngoài ra, để tối đa hóa lợi ích sức khỏe của ca cao, nên dùng ca cao kèm với một chế độ ăn uống cân bằng.
Có rất nhiều cách khác nhau để thêm ca cao vào chế độ ăn uống, đó là: ăn socola đen (chọn loại chất lượng tốt và chứa ít nhất 70% ca cao); pha bột ca cao với nước, dùng nóng hoặc lạnh tùy sở thích; thêm ca cao vào sinh tố hoặc các loại bánh; rắc ca cao vào trái cây tươi.
Nguồn: Healthline