Hiện nay, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh lý về gan như viêm gan siêu vi, gan nhiễm mỡ... Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ các bệnh lý về gan và còn giữ nhiều quan niệm dưỡng gan sai lầm.

Lam Lam (t/h) 06:00 20/03/2023

6 lầm tưởng phổ biến về gan

Ăn gan bổ gan

Nhiều người vẫn quan niệm rằng “ăn gì bổ nấy” nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý về gan lầm tưởng rằng “>ăn gan sẽ giúp bồi bổ gan”. Thế nhưng trên thực tế, đây là cách hiểu sai lầm.

Gan là cơ quan dự trữ >dinh dưỡng và giải độc quan trọng của động vật, do đó một số chất độc hại thường tồn đọng trong gan động vật. Việc ăn gan từ vật nuôi không rõ nguồn gốc, gan từ động vật bị bệnh có thể khiến chúng ta nhiễm phải những chất độc này.

Đặc biệt, bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ, viêm gan B hoặc các bệnh lý về gan hoặc các bệnh lý chuyển hóa nên hạn chế ăn gan động vật bởi trong gan động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng và có hàm lượng cholesterol cao, nếu ăn quá thường xuyên sẽ làm tăng gánh nặng cho chức năng gan.

Với những người có >sức khỏe bình thường, mỗi tuần chỉ nên ăn gan nhiều nhất 2-3 lần, mỗi lần ăn từ 50-70g gan với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30-50g/bữa để tránh gây hại cho cơ thể.

Ảnh minh họa: Người mắc bệnh lý về gan nên hạn chế ăn gan.

Viêm gan B có khả năng di truyền

Có rất nhiều người cho rằng “viêm gan B sẽ di truyền” nên nhiều người mắc viêm gan B không dám kết hôn và sinh con. Thế nhưng trên thực tế, viêm gan B mạn tính là bệnh truyền nhiễm chứ không phải bệnh di truyền

Đối với nam giới mắc viêm gan B, bạn hoàn toàn có thể sinh con và không cần sợ sẽ lây viêm gan B cho con. Sau khi con ra đời, bạn chỉ cần cho các con của mình đi tiêm phòng vaccine viêm gan B.

Còn đối với nữ giới mắc viêm gan B, bạn có thể lây viêm gan B cho con của mình khi mang thai hoặc khi chuyển dạ lúc sinh. Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm hoặc gan mật để được tư vấn các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Nếu thực hiện được việc ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con kịp thời và hiệu quả thì hơn 95% phụ nữ nhiễm virus viêm gan B vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Ảnh minh họa: Phụ nữ mắc viêm gan B vẫn có thể sinh ra con khỏe mạnh.

Ăn hàng dễ lây nhiễm virus viêm gan B

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do nhiễm virus viêm gan B. Con đường lây truyền virus viêm gan B chủ yếu qua đường máu, từ mẹ sang con và quan hệ tình dục. Virus viêm gan B không lây qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt. Hơn nữa, đường tiêu hóa của con người cũng thiếu các chất cần thiết cho sự phát triển và sinh sản của virus viêm gan B. Vì vậy, việc dùng chung bát đĩa, cốc nước, các tiếp xúc hàng ngày như bắt tay, ôm, ho, hắt hơi, hôn nhau sẽ không khiến bạn bị lây nhiễm virus viêm gan B.

Ảnh minh họa: Virus viêm gan B không lây qua đường ăn uống.

Người gầy sẽ không bị gan nhiễm mỡ

Nhiều người nghĩ rằng >bệnh gan nhiễm mỡ sẽ không ‘tấn công’ người gầy và chỉ có những người béo phì mới mắc gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, béo phì chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ.

Những người gầy, người giảm cân nhanh trong thời gian ngắn vẫn có khả năng mắc gan nhiễm mỡ do dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu chất, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa mỡ trong gan dẫn đến gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, lười vận động cũng có thể gây gan nhiễm mỡ vì mỡ sẽ tích tụ lại trong cơ thể mà không được chuyển hóa.

Ăn chay sẽ không bị gan nhiễm mỡ

Ăn chay không đúng cách có thể dẫn tới tình trạng không nạp đủ protein và vitamin cho cơ thể, dễ dẫn đến tình trạng giảm tổng hợp lipoprotein. Khả năng vận chuyển lipoprotein bị suy giảm khiến một lượng lớn mỡ sẽ lắng đọng ở gan, điều này có thể tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển thành xơ gan.

Ảnh minh họa: Người gầy, người ăn chay, người giảm cân nhanh chóng vẫn có thể mắc gan nhiễm mỡ.

Nếu mắc gan nhiễm mỡ, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống

Khi mắc gan nhiễm mỡ, chỉ thay đổi chế độ ăn uống thôi là chưa đủ mà người bệnh còn cần xây dựng lối sống lành mạnh. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần bỏ hút thuốc lá, kiêng uống rượu và giảm tiêu thụ đường. Người mắc bệnh gan cần kiêng đồ uống có cồn vì lúc này gan không thể phân hủy hoàn toàn rượu bia do đã bị tổn thương. Nếu sử dụng rượu bia, rượu có thể tích tụ trong gan, lâu ngày sẽ khiến tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng hơn và làm trầm trọng tình trạng gan nhiễm mỡ.

Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống như ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất người bệnh còn cần duy trì tập thể dục (khoảng 40 phút/ngày) để tiêu hao bớt lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Nguồn: QQ

Theo Mộc Miên/ Tổ quốc