Thực phẩm chay giả mặn kém chất lượng làm từ những hương liệu độc hại hoặc không vệ sinh có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngày nay, nhiều người lựa chọn >ăn chay như một cách để hướng Phật, đồng thời giúp tâm thanh tịnh. Một số khác lựa chọn ăn chay vì sức khỏe như để giảm cân hoặc chữa bệnh. Thay vì sử dụng những >thực phẩm chay tự nhiên như đậu hũ, chao, rau củ thông thường, nhiều người lựa chọn những >thực phẩm chay giả mặn để “giải ngán”.
Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, anh Hà Quang Lâm - Chuyên viên thẩm định giá tại TP.HCM cho biết xu hướng ăn chay giả mặn là do: “Người ăn chay còn quan trọng việc ăn uống, vị giác, muốn cảm nhận mùi vị ưa thích giả tạm”.
Chính vì vậy, thực phẩm chay giả mặn đang dần trở thành xu thế được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, những sản phẩm chay giả mặn kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Để đáp ứng nhu cầu ăn chay của người tiêu dùng, những sản phẩm chay giả mặn xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Tại một siêu thị lớn ở quận Gò Vấp (TP.HCM), gian hàng thực phẩm chay giả mặn đóng gói được bày bán vô cùng đa dạng với hàng loạt sản phẩm như sườn non chay, gà lát chay, heo lát chay… Mức giá của những thực phẩm chay giả mặn này dao động từ 120.000-180.000 nghìn đồng/kg.
Chia sẻ với PV, chị Thu Trang (Hóc Môn, TP. HCM) cho biết: “Nhà tôi thường ăn chay vào ngày rằm hàng tháng. Tôi hay lựa chọn những thực phẩm chay giả mặn vì chúng có mùi vị khá ngon, chẳng khác gì đồ mặn lại dễ chế biến. Thường thì tôi hay mua ở chợ hoặc siêu thị”.
Không chỉ được bày bán ở các siêu thị, thực phẩm chay giả mặn còn xuất hiện khá nhiều ở những gian hàng tạp hóa từ nhỏ đến lớn trong các khu chợ. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tại đây, người bán hàng cho biết đều là hàng Việt Nam và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời họ còn tận tình hướng dẫn về cách sử dụng của những loại thực phẩm này.
Thị trường thực phẩm chay giả mặn vô cùng phong phú, đa dạng và đang rất được ưa chuộng. Chính vì vậy mà nhiều cơ sở lợi dụng cơ hội này để sản xuất hàng loạt thực phẩm chay giả mặn đóng gói kém chất lượng, không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể vô vàn sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Năm 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành kiểm nghiệm 23 mẫu thực phẩm chay giả mặn đóng gói trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Kết quả cho thấy có 3/5 mẫu dương tính với hàn the, 4/18 mẫu còn lại bị nhiễm vi sinh.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm chay kém chất lượng còn sử dụng những hương liệu tạo mùi không rõ xuất xứ để kích thích vị giác. Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng (nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM), những chất tạo mùi, vị và các chất bảo quản khác trong các thực phẩm chay có chứa axit oxalic.
Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, chị Lương Ánh Hồng - Kỹ sư công nghệ hóa học tại TP.HCM cho biết: “Axit oxalic tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ra sỏi trong thận, gan mật, tiết niệu. Hàm lượng gây độc LD50 là 378mg/kg thể trọng. Chất này có qui định sử dụng là 46/2007/qd_byt”.
Ngoài ra, kỹ sư Ánh Hồng còn chia sẻ thêm: “Sản phẩm thực phẩm chay thường sẽ có chất tạo chắc, có nơi sử dụng CaCO3. Tuy nhiên, chất này không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm”.
Anh Đức Hiển (ngụ tại Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Tôi ăn chay trường đã gần 2 năm. Đối với tôi, ăn chay không phải là để trả lễ với Phật tổ nên tôi không sử dụng những thực phẩm ăn chay giả mặn”. Bên cạnh đó, anh còn cho rằng: “Những đồ chay giả mặn không rõ nguồn gốc là một mối lo ngại vì không biết nó có phải là đồ chay hay không. Đa phần bây giờ người ta thường chạy theo lợi nhuận nên sẽ đưa vào một số hương liệu độc hại giúp đồ chay ăn ngon hơn”.
Vì vậy, quan điểm đồ chay luôn sạch của nhiều người là hoàn toàn sai lầm. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn thực phẩm chay giả mặn. Bạn cần chọn thực phẩm từ các cơ sở sản xuất có uy tín, xem kỹ thành phần trên bao bì sản phẩm để đảm bảo an toàn.