Nhiều loại trái cây đang được các lái buôn thúc chín, làm đẹp và kéo dài 'tuổi thọ' bằng hóa chất. Theo giới khoa học, nếu sử dụng hóa chất để ép chín trái cây vô tội vạ sẽ khiến sức khỏe của người tiêu dùng bị tổn hại rất nhiều, ngộ độc và có thể gây ung thư.
1. Mít
Mít là loại quả được rất nhiều người ưu chuộng, nhưng cũng là loại bị “ép chín” nhiều nhất. Một thương lái cho biết, để có lãi thì phải dùng hóa chất để thúc cho mít chín nhanh hơn, múi đẹp và ngon.
Nếu mít chín nhanh thì tiết kiệm được thời gian và công sức. Trên thị trường có nhiều loại hóa chất làm mít chín nhanh.
Thương lái thường ưa chuộng chọn loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc pha loãng với nước rồi tiêm trực tiếp vào quả mít. Hóa chất càng nặng thì thời gian thúc mít chín càng rút ngắn. Sau khi tiêm, chưa đầy 12 giờ sau là mít sẽ chín.
Mít chín tự nhiên sẽ có đặc điểm như gai nở to, màu xanh vàng, xám và chín đều từ cuống cho đến đít quả. Có múi vàng ươm, thơm lựng, xơ trắng vàng nhạt. Nếu quả mít chưa già, có gai ngoài nhọn, dày đặc và có màu xanh tươi mà múi bên trong đã chín thì ắt hẳn là đã được “kích chín” bằng thuốc.
Ngoài ra khu vực gần cuống quả mít (chỗ để tiêm thuốc kích chín) sẽ bị nhũn thối, trong khi phần đít quả lại chín tới. Ngược lại, mít chín ép nhờ hóa chất ít thơm, bị sượng, xơ rất vàng, cuống mít vẫn còn xanh.
2. Sầu riêng
Hiện nay, số lượng sầu riêng 'ngậm' hóa chất chín ép chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Để có thể vận chuyển được xa và bảo quản sầu riêng được lâu hơn, nhiều thương lái buộc phải mua quả lúc còn xanh, chưa chín.
Sau đấy, cho sầu riêng ngâm vào hóa chất chín ép, 2 - 3 ngày là trái chín đều và bán ra thị trường. Sầu riêng bị chín ép thường rất khó tách múi, không có mùi thơm nồng đặc trưng, bị sượng, cuống bị héo và gai bị dập, có màu thâm đen.
Ngược lại, sầu riêng chín cây gai và cuống đều tươi nguyên, dễ tách múi, màu vàng óng, hương thơm nồng.
3. Chuối
Chuối là loại quả dân dã giàu chất >dinh dưỡng, có lợi cho >sức khỏe. Tuy nhiên, đây là loại quả mất nhiều thời gian để chuối chín đều tự nhiên. Do vậy, người bán đã không ngần ngại sử dụng thuốc chín ép cho loại quả này.
Chuối chín tự nhiên sẽ có da căng tròn, nhìn bên ngoài thấy màu vàng đậm, bóp nhẹ cảm nhận được độ mềm bên trong ruột quả. Chuối chín cây, thường quả chín thì cuống cũng chín theo hướng thâm, héo và thối dần.
Chuối chín vì thuốc có phần vỏ bên ngoài màu vàng rất đẹp mã, bắt mắt nhưng bóp vào quả chuối thấy cứng sượng. Mặc dù quả chuối chín vàng ươm, nhưng phần cuống vẫn xanh và tươi.
4. Cam, quýt
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cam, quýt, khi còn trên cây thì bị cắt xuống sớm và ngâm thuốc kích chín, còn khi đến tay người bán thì lại ngâm thuốc bảo quản.
Cam, quýt chín tự nhiên có cuống rất tươi, quả no tròn, các nốt tinh dầu trên vỏ nở to, chín từng mảng từ trên cuống xuống.
Cam chín do thuốc sẽ cho màu chín vàng nhạt đều cả quả, cuống héo, các nốt tạo tinh dầu rất bé.
5. Đu đủ
Chỉ cần vài giọt dung dịch từ lọ thuốc bé bằng ngón tay út vào cuống, đu đủ xanh vừa ngắt trên cây sẽ chín vàng ruộm, đẹp mã chỉ sau ít giờ đồng hồ.
Đây chính là bí kíp mà một số người dân tại vựa đu đủ thường xuyên sử dụng để kích thích đu đủ chín nhanh.
6. Thanh long
Thanh long là loại quả mát, dễ ăn, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nó cũng là trái cây được thương lái dùng hóa chất thúc chín. Thanh long chín tự nhiên có thân màu đỏ thẫm, các gai trên quả có màu tươi đẹp, vỏ mỏng.
Trong khi thanh long chín do thuốc có vỏ dày, màu đỏ nhạt, gai trên quả héo, ăn vị rất nhạt.
7. Măng cụt
Người tiêu dùng hãy chọn mua những quả măng cụt có màu rám nâu thay vì loại màu nâu đỏ. Những quả rám nâu ăn ngon ngọt hơn.
Bạn không nên chọn những quả to vì phần thịt bên trong không được nhiều và hạt cũng to. Nếu vỏ cứng ở chỗ nào thì múi quả ở chỗ đó đã bị chai, ăn không được ngon.
Đối với quả măng cụt chín ép sẽ có cuống thâm đen, nắn vỏ không thấy mềm, khi ăn sẽ có vị chua. Măng cụt chín cây có cuống tươi, khi ăn vị ngọt dịu và thanh mát.
Lưu ý:
Dung dịch thuốc kích chín dùng để thúc chín ép trái cây có chứa carbendazim và tebuconazol. Đây là hai chất được dùng chủ yếu để trị nấm bệnh trên cây trồng.
Carbendazim phá hủy quá trình tháo nếp gấp của nhiễm sắc thể có thể gây ung thư và vô sinh. Tebuconazol cũng đã được FDA đưa vào danh sách các chất gây ung thư.
Chính vì vậy, các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo người dân luôn tỉnh táo đối với những loại trái cây bị ép chín bán đầy ngoài chợ, hạn chế tối đa việc thu nạp những loại trái cây này vào cơ thể để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.