Thịt gà là thực phẩm quen thuộc của nhiều gia đình nhưng có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Đó là lý do tại sao việc bảo quản thịt gà đúng cách là rất quan trọng.
Thịt gà là món ăn không thể thiếu tại các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau mỗi dịp Tết, nhiều gia đình thường rơi vào tình trạng còn thừa quá nhiều >thịt gà. Do đó, bảo quản gà trong tủ lạnh là lựa chọn của hầu hết gia đình vì tính tiện lợi mà nó mang lại. Nhưng để bảo quản gà trong tủ lạnh an toàn cũng cần thời gian nhất định, không thể quá lâu và nhất là phải đúng cách.
Thịt gà để trong tủ lạnh được bao lâu?
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thịt gà sống có thể được giữ trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 - 2 ngày. Gà tây sống cũng như các loại gia cầm khác cũng nên được bảo quản trong tủ lạnh với thời gian tương tự.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, gà đã nấu chín có thể để được trong tủ lạnh khoảng 3 - 4 ngày. Việc bảo quản thịt gà trong tủ lạnh giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, vì vi khuẩn có xu hướng phát triển chậm hơn ở nhiệt độ dưới 4 độ C.
Nếu bạn cần bảo quản thịt gà lâu hơn vài ngày, tốt nhất nên bảo quản gà trong tủ đông. Những miếng thịt gà sống có thể được bảo quản trong tủ đông tới 9 tháng, trong khi một con gà nguyên con có thể được đông lạnh tới 1 năm. Thịt gà đã nấu chín có thể bảo quản trong tủ đông từ 2 - 6 tháng.
Cách nhận biết thịt gà bị hỏng
Việc ăn thịt gà hỏng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm vì đây là loại thịt dễ bị nhiễm vi khuẩn campylobacter, salmonella… Những vi khuẩn này chỉ bị loại bỏ khi nấu chín kỹ thịt gà tươi. Vì vậy, các gia đình cần chú ý các dấu hiệu trên thịt để tránh tiêu thụ thịt bị hỏng.
Đối với các loại thịt gà được mua tại siêu thị, nếu đã qua ngày sử dụng được in trên bao bì thì có khả năng bị hỏng rất cao. Vì vậy, trong trường hợp này, cách tốt nhất là không nên sử dụng để tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn và ngộ độc.
Ảnh minh họa
Trong trường hợp, người tiêu dùng nhận thấy thịt gà có dấu hiệu chuyển sang màu xanh xám, kể cả thịt gà sống hay nấu chín, đây là dấu hiệu thịt đã bị hỏng. Lúc này, các đốm mốc từ xám đến xanh lục là biểu hiện cho sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn.
Ngoài màu sắc, khi bị hỏng, thịt gà sống và thịt gà đã nấu chín đều tỏa ra mùi chua giống như amoniac. Tuy nhiên, mùi này có thể khó nhận biết nếu gà đã được ướp với nước sốt, thảo mộc hoặc gia vị.
Một dấu hiệu khác của thịt gà bị hư hỏng là kết cấu bên ngoài của thịt bắt đầu trở nên nhầy nhụa. Lúc này, việc rửa gà sẽ không tiêu diệt được hết vi khuẩn, thậm chí có thể làm lây lan vi khuẩn sang các loại thực phẩm, dụng cụ nhà bếp và bề mặt khác. Do đó, nếu nghi ngờ thịt gà trong tủ lạnh đã bị hỏng, cách tốt nhất là vứt bỏ ngay.
Lưu ý khi bảo quản thịt gà
Với thịt gà đã nấu chín, bạn phải để thịt gà nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh. Không chỉ có thịt gà mà tất cả các thực phẩm nóng nói chung nếu cho vào tủ lạnh sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm và cả tủ lạnh.
Ảnh minh họa
Thông thường, trong tủ lạnh có rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Để tránh thịt gà bị ám mùi hoặc lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác, thịt gà sống tốt nhất nên được bảo quản trong đồ đựng không rò rỉ để ngăn nước thịt tiết ra. Thịt gà đã nấu chín nên được bảo quản trong hộp kín hoặc bọc kín bằng màng bọc thực phẩm.
Thịt gà sống đã rã đông cũng cần chế biến hết, không nên cấp đông lại lần nữa.
Ngoài ra cũng nên hạn chế ăn thịt gà cũ hoặc đã hâm nóng nhiều lần. Nguyên nhân là việc chế biến này chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt mà không loại bỏ được một số độc tố do vi khuẩn tạo ra.