Nhiều người có thói quen nấu cơm bằng nước nóng trong khi những người khác lại trung thành với cách nấu nước lạnh. 2 cách nấu này có gì khác nhau?
Nấu cơm bằng nước nóng hay nước lạnh tốt hơn?
Hầu hết các gia đình Việt trước đây thường có thói quen dùng nồi cơm điện nấu cơm bằng nước lạnh vì cho rằng cách nấu cơm như vậy mới tốt.
Tuy nhiên, không ít thông tin được lan truyền cho rằng nấu cơm từ nước lạnh khiến quá trình nấu cơm kéo dài hơn, làm cho dưỡng chất trong hạt gạo tan trong nước và bay hơi mất.
Những người này cho rằng, nấu cơm bằng nước nóng làm gạo nhanh chín và dẻo hơn, rút ngắn thời gian vào bếp, giữ lại chất >dinh dưỡng có trong gạo
Vậy nấu cơm nên dùng nước lạnh hay nước nóng?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia công nghệ> thực phẩm, cho biết nấu cơm bằng nước nóng chưa chắc đã giữ lại nhiều dưỡng chất hơn nấu cơm bằng nước lạnh. Ông cha ta từ xưa đến nay vẫn thường nấu cơm bằng nước lạnh. Khi đó, hạt gạo được đun từ nước lạnh cho tới khi nước sôi, cạn nước và thành cơm khô.
"Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều bà nội trợ chia sẻ với nhau mẹo nấu cơm bằng nước nóng. Cách nấu cơm này sẽ giúp hạt gạo chín nhanh hơn, rút ngắn được quá trình nấu. Tuy nhiên, ở cách nấu này, gạo sẽ không thấm được nhiều nước để nở đều và chắc chắn sẽ không ngon bằng nấu cơm từ nước lạnh", PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo vị chuyên gia, trong quá trình nấu cơm bằng nước lạnh, nhiệt tăng từ từ tới khi sôi, lúc này gạo sẽ ngấm dần nước và chín. Hạt gạo khi ngấm được nhiều nước sẽ dẻo, mềm, ăn ngon hơn nhiều.
Chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết thêm: "Về mặt lý thuyết, khi nấu cơm bằng nước lạnh, gạo sẽ nở ra, nước ngấm từ ngoài vào trong. Các chất từ bên ngoài của hạt gạo sẽ ngấm vào bên trong do các chất đi theo chuyển động của dòng nước.
Thường thì bên ngoài của hạt gạo có nhiều vitamin B1. Loại vitamin này hòa tan trong nước do vậy sẽ đi cùng dòng nước ngấm vào bên trong hạt gạo. Nước có sôi bay hơi sẽ không bị tổn thất vitamin. Nếu dựa vào nguyên tắc khuếch tán nhiệt giải thích thì nấu cơm bằng nước lạnh sẽ đỡ được việc giảm vitamin B1 trong gạo hơn là nước nóng".
Tuy nhiên, những lý giải chỉ là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, chưa có thực nghiệm chứng minh vitamin B1 sẽ còn lại bao nhiêu khi nấu bằng nước nóng và khi nấu bằng nước lạnh.
Lưu ý khi nấu cơm
Để nấu cơm ngon, đảm bảo an toàn, có nhiều dưỡng chất, PGS Nguyễn Duy Thịnh nhắn nhủ:
- Trước khi nấu cơm cần phải vo gạo nhẹ nhàng để loại bỏ tạp chất, bụi bẩn. Không vo gạo quá kỹ trước khi nấu. Vitamin B1 chủ yếu ở ngoài hạt gạo, nếu vo gạo quá kỹ sẽ bị mất đi dưỡng chất.
- Đổ nước vừa đủ, không quá nhiều và không quá ít. Mỗi loại gạo sẽ phù hợp với lượng nước nhất định. Do đó lần nấu đầu tiên với 500g gạo bạn nên đổ 600ml nước, sau đó thì điều chỉnh dần cho phù hợp.
- Trong quá trình nấu cơm không nên mở nắp nhiều lần, có thể làm giảm nhiệt độ và làm mất hơi nước cần thiết để nấu chín cơm.