Măng cụt xanh có vị chua, chát, mỗi năm chỉ có thể thu hoạch một lần nhưng lại là nguyên liệu đắt đỏ để làm nên món gỏi đặc sản "trứ danh" miền đông Nam Bộ.

Q.Duyên (t/h) 12:56 09/05/2023

Là loại quả đặc sản miền Nam, măng cụt luôn được người tiêu dùng săn đón mỗi khi vào mùa. Bên cạnh măng cụt chín, trong thời gian gần đây, măng cụt xanh cũng được người tiêu dùng đua nhau săn lùng về làm gỏi, chế biến các món ăn lạ miệng… với giá vô cùng đắt đỏ.

Quả măng cụt xanh có ăn được không?

Câu trả lời là có. Nếu như măng cụt chín là loại trái cây có hương vị chua dịu và thơm ngọt được nhiều người yêu thích với giá bán khoảng 40.000 - 65.000 đồng/kg thì măng cụt xanh lại có giá cao gấp chục lần, xuất hiện trong món ăn nổi tiếng. 

Ảnh minh họa: Internet

Mỗi kg ruột măng cụt xanh có giá từ 450.000 - 650.000 đồng, tùy thời điểm. Thực khách cũng chỉ có thể thưởng thức món ăn này vào mùa hè vì thời điểm vào mùa măng cụt xanh là khoảng từ giữa tháng 4 đến hết tháng 6. 

Nếu như măng cụt chín là thức quà ngon ngọt giải nhiệt mùa hè thì măng cụt xanh lại là nguyên liệu không thể thiếu xuất hiện trong món gỏi nổi tiếng ở Nam Bộ. Gỏi măng cụt xanh có hương vị lạ miệng, được chế biến kỳ công và không phải mùa nào cũng có thể thưởng thức.

Ảnh minh họa: Internet

Đặc sản >gỏi gà măng cụt

Để làm nên món ăn nổi tiếng này, từ công đoạn chọn măng cụt xanh đến khâu chế biến đều đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Những trái măng cụt chọn làm gỏi có vỏ xanh nhưng phải đủ độ già thì phần ruột bên trong mới giòn, có vị ngọt, chua, chát vừa phải.

Ngoài ra, khi chế biến ruột măng cụt vỏ xanh sẽ cho ra thành phẩm hình bông hoa đẹp mắt, đem trộn gỏi không bị dập nát hay chuyển từ màu trắng sang màu nâu như măng cụt chín cây. Từ đó mà món ăn đảm bảo được tính thẩm mỹ, tăng cảm giác hấp dẫn giúp thực khách ngon miệng.

Ảnh minh họa: Internet

Theo một số người, nếu măng cụt chín ăn ngon 1 phần thì măng cụt xanh trộn gỏi gà ăn ngon gấp 10 lần. Ăn vừa giòn vừa ngọt, không chát một chút nào.

Để ruột măng cụt không bị chát, khi gọt bạn phải chuẩn bị 1 chậu nước sạch chứa quả măng cụt chưa gọt, chậu còn lại pha thêm chút muối để rửa ruột măng cụt sau khi gọt. Khi gọt phải mang găng tay để tránh nhựa măng cụt bám vào da.

Dùng dao sắc để gọt lớp vỏ cứng bên ngoài rồi để vào chậu nước đã pha muối loãng. Tiếp đó rửa sạch và ngâm ruột măng cụt vào chậu nước đá cho măng cụt giòn. Thái thành từng miếng như bông hoa sau đó kết hợp với thịt gà luộc để làm gỏi.

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài thịt gà, các nguyên liệu cần có để làm thành món gỏi măng cụt không thể thiếu đó là cà rốt thái sợi, hành tây, lạc rang, hành phi, rau răm thái nhỏ.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu sẽ mang tất cả trộn đều với mắm chua ngọt và tỏi ớt. Vị mềm, ngọt của thịt gà kết hợp với vị giòn ngọt của măng cụt, vị thơm ngậy của thịt gà và hương thơm của các loại rau gia vị, trở thành món ăn mà ai ăn một lần cũng không thể nào quên.

Giá trị dinh dưỡng của món gỏi gà măng cụt

Măng cụt và thịt gà đều là những thực phẩm chứa nhiều thành phần >dinh dưỡng, việc kết hợp măng cụt với thịt gà để làm gỏi tuy là sự kết hợp vô tình nhưng lại có sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn thành các dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Nếu như thịt gà cần khoảng 1,5- 2 giờ đồng hồ để cơ thể tiêu hóa thì măng cụt chỉ cần 15-20 phút là cơ thể có thể tiêu hóa hết. Măng cụt có chứa nhiều chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thịt gà trong cơ thể diễn ra nhanh hơn khi ăn kèm những thực phẩm phụ trợ khác, làm giảm những rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, chất xanthones có trong măng cụt có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của cholesterol xấu và chống béo phì hiệu quả.  
Dân sành ăn yêu thích món gỏi gà măng cụt bởi nó được xem như là một trong những món ăn mang đầy đủ hương vị nhất của cuộc đời, bởi cái vị chua, cay, chát, mặn, ngọt, cùng hòa quyện với nhau. Trên chiếc mẹt tre lót lá chuối, phần gỏi được bày ra với thịt gà, cà rốt xắt sợi, rong biển, củ sen, hành tây, đậu phộng rang, hành phi...điểm xuyết thêm miếng ngò, miếng rau răm cho đậm vị, tạo nên một hương vị hết sức dân dã, miệt vườn đậm chất Nam bộ. 
Ảnh minh họa: Internet

 

Q.Duyên (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe