Thông tin dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập Việt Nam khiến nhiều người hoang mang. Câu hỏi đặt ra ngay lập tức đối với người tiêu dùng là lựa chọn thịt lợn sạch ra sao để an toàn?
Trước thông tin dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập Việt Nam tại một số nơi như Thái Bình, Hưng Yên, mới đây ngày 21/2, Lào Cai nghi ngờ dịch tả lợn xâm nhập qua đường biên giới nên đã tiêu huỷ hàng chục con lợn nghi nhiễm. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Đó là bởi tỉ lệ món ăn chế biến từ thịt lợn trong khẩu phần của người Việt rất lớn.
Chuyên gia đã khẳng định dịch tả lợn không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn, sử dụng thịt lợn sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh.
Làm thế nào để lựa chọn được thịt lợn sạch?
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cách chọn thịt sạch dễ nhất là mua ở nơi uy tín, thịt có nguồn gốc, trường hợp buộc mua ở chợ thì phải chú ý các dấu hiệu nhận biết.
Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày. Nếu quan sát thấy thịt toàn nạc, phần nạc và mỡ tách rời thì không nên mua.
Về màu sắc, cảm quan: thịt lợn sạch có màu hồng tươi trong khi thịt lợn siêu nạc màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng. Mặt da có thể xuất hiện những đốm đỏ.
Với thịt lợn sạch, khối thịt rắn chắc có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Thịt tồn dư chất cấm thường khô cứng hơn và ít đàn hồi.
Khi chế biến, thịt lợn sạch luộc lên nước trong, không váng bẩn. Khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, lúc rang ra nhiều nước, ăn khô.
Nhận biết thịt ngậm chất bảo quản bằng cách: Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt ôi sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Thịt nhiễm ký sinh trùng: Phổ biến nhất là lợn bị nhiễm giun sán. Cần quan sát kỹ trước khi mua, để ý những vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thủ... nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) thì không nên mua. Khi thái nên cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì đã bị nhiễm kén sán.