Nhiều người có thói quen rã đông thịt bằng nước nóng vừa nhanh chóng lại đơn giản mà không hay biết cách làm này chẳng khác gì "hồi sinh" vi khuẩn.

Minh Anh (t/h) 05:00 21/07/2024

Bảo quản> thực phẩm trong ngăn đá tủ lạnh giúp quá trình lưu trữ tốt hơn, đảm bảo độ ăn toàn và chất lượng của thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình rã đông thực phẩm để chế biến lại là một thách thức không nhỏ, nhất là đối với những người bận rộn, không có thời gian chờ đợi. Vậy đâu là phương pháp rã đông nhanh chóng và an toàn với thực phẩm?

Thói quen sai lầm khi rã đông thịt

Rã đông ở nhiệt độ phòng

Nếu mọi người có thói quen này để thịt tự rã đông ở nhiệt độ phòng, hãy lưu ý kỹ càng. Julie Harrington, chuyên gia >dinh dưỡng tại Bệnh viện Johns Hopkins cho biết, thịt hoặc tất cả các loại thực phẩm dễ hỏng khác không bao giờ được rã đông tự nhiên trong nhiệt độ phòng quá hai giờ.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, trong môi trường nóng hơn 32°C, mọi người không nên để thực phẩm ở bên ngoài tủ lạnh quá một tiếng.


Ảnh minh họa

Chuyên gia Harrington giải thích, ngay khi lớp đá tan ra, nhiệt độ của thực phẩm sẽ thay đổi và tạo điều kiện cho vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập. Các vi khuẩn có hại như tụ cầu khuẩn, salmonella, e.coli và campylobacter có khả năng phát triển mạnh trong khoảng 4 - 60 độ C. Trên thực tế, số lượng mầm bệnh có thể tăng gấp đôi chỉ sau 20 phút khi nhiệt độ rơi vào phạm vi “nguy hiểm” này.

Ngâm nước nóng

Khi quên lấy thịt khỏi tủ đá hoặc đang vội, rất nhiều người cho rằng ngâm nước nóng là cách khắc phục nhanh và khả thi nhất. Tuy nhiên, việc rã đông thịt trong nước nóng không chỉ làm giảm chất lượng thịt mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Khi được đông lạnh, vi khuẩn và các vi sinh vật khác trong thịt chỉ ngừng phát triển hoặc sinh sản rất chậm chứ không bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thịt được lấy ra khỏi tủ lạnh sẽ rã đông dần dần, vi khuẩn và các vi sinh vật khác sẽ dần thức dậy và tiếp tục phát triển. Thời gian rã đông càng lâu và nhiệt độ rã đông càng cao thì vi khuẩn và các vi sinh vật khác càng hoạt động mạnh.

Ngoài ra, nếu thịt được ngâm trong nước và rã đông thì các protein hòa tan, axit amin, vitamin B,… trong thịt sẽ bị mất đi, mùi vị cũng trở nên tệ hơn.

Thậm chí, nếu nhiệt độ trên 60 độ C có thể xảy ra hiện tượng “chín bên ngoài, đông cứng bên trong”, tức là thịt bên ngoài gần chín nhưng thịt bên trong vẫn chưa rã đông. Nói cách khác, nhiệt độ lớp ngoài có thể chạm đến vùng “nguy hiểm”. Vi khuẩn, độc tố sẽ tích tụ gây hại, ngay cả khi bên trong thịt vẫn đông đá.


Ảnh minh họa

Biện pháp rã đông thịt đúng cách

Dùng ngăn mát tủ lạnh

Rã đông từ từ trong tủ lạnh là một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất. Thực phẩm kích cỡ lớn cần 1-2 ngày để tan đá ở ngăn mát tủ lạnh, trong khi rã đông các miếng thịt nhỏ hơn chỉ cần qua đêm. Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 2 kg thịt tương ứng với khoảng một ngày để tan đá.

Sau khi rã đông, thịt xay, thịt gia cầm và hải sản có thể được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh 1 - 2 ngày, trong khi đó thịt bò, thịt lợn tươi là 3 - 5 ngày.

Tuy nhiên, cần lưu ý luôn để thịt vào ngăn dưới cùng vì chúng có thể chảy nước và ảnh hưởng tới thực phẩm khác. Việc làm này cũng giúp tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Rã đông bằng lò vi sóng

Trong một số trường hợp, dùng lò vi sóng để rã đông thịt là lựa chọn nhanh và thuận tiện nhất. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực sự hiệu quả đối với các miếng thịt nhỏ.

Nếu lò vi sóng có chế độ rã đông, chế độ điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp với chế biến từng món ăn, hãy sử dụng. Nếu không, người dùng chỉ cần chỉnh lò vi sóng hoạt động ở công suất thấp và tăng nhiệt dần dần cho tới khi thịt tan đá.


Ảnh minh họa

Rã đông trong nước lạnh

Mặc dù không nên rã đông thịt trực tiếp bằng cách ngâm trong nước nóng nhưng các gia đình có thể rã đông bằng cách cho thực phẩm vào túi, buộc chặt miệng, cố gắng loại bỏ càng nhiều không khí bên trong càng tốt và ngâm vào một bát nước lạnh. USDA khuyến nghị, hãy thay nước sau mỗi 30 phút khi thịt đang tan đá.

USDA khuyến cáo, luôn nấu thực phẩm ngay sau khi rã đông bằng lò vi sóng vì một số phần của thịt có thể nóng hơn những phần khác và chạm tới vùng “nguy hiểm” trong quá trình tan đá.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam