Da bị khô căng, tiết dầu mạnh hoặc nổi mụn là những phản ứng không mong muốn, cho thấy kem dưỡng không mang lại lợi ích như bạn mong đợi.
Dưỡng ẩm có hiệu quả và đúng cách không hoàn toàn đến từ việc chăm chỉ thoa kem dưỡng mỗi ngày. Bất kỳ sản phẩm >chăm sóc da nào dù nhận được nhiều phản hồi tốt từ người dùng cũng không có nghĩa nó cũng dành cho bạn.
Tìm ra công thức thành phần dưỡng ẩm phù hợp với da là rất quan trọng vì da mỗi người không giống nhau. Khi dùng một lọ kem dưỡng hay sản phẩm skincare mới, làn da sẽ có vài phản ứng nhất định.
Nếu phản ứng trở nên nghiêm trọng, bạn phải dừng việc sử dụng và tìm hiểu xem vấn đề của sản phẩm đến từ đâu.
So với các sản phẩm chăm sóc da khác, kem dưỡng thường chứa nhiều thành phần hơn. Đặc biệt với kem dưỡng dạng hũ, nhà sản xuất phải thêm vào nhiều chất bảo quản để chống vi khuẩn do người dùng hay sử dụng tay không để lấy kem. Chất bảo quản có thể gây ra nhiều phản ứng phụ với da.
Nếu bạn cảm thấy da bị căng rát, khó chịu khi dùng kem dưỡng ẩm thì có thể hàng rào bảo vệ da đã bị tổn thương. Khi đó, các hoạt chất dưỡng ẩm đều không giúp ích được gì, bạn cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm chức năng của hàng rào bảo vệ da.
Hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thói quen chăm sóc da hàng ngày. Hãy kiểm tra lại tất cả thành phần trong mỹ phẩm và ngưng sử dụng lần lượt từng món để tìm ra "kẻ gây rối".
Mỹ phẩm cần kiểm tra kỹ đầu tiên là các sản phẩm làm sạch. Sản phẩm tẩy trang, sản phẩm rửa mặt là những thứ chúng ta dùng mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là các thành phần bên trong chúng có cơ hội tiếp xúc với làn da nhiều nhất.
Sodium lauryl sulfate (SLS), sodium laureth sulfate (SLES), ammonium laureth sullfate là các chất hoạt động bề mặt có khả năng gây kích ứng cao nhưng lại hay xuất hiện trong nhiều sản phẩm làm sạch.
Bên cạnh đó, tần suất tẩy da chết hoặc sử dụng mỹ phẩm đặc trị chứa retinol, axit glycolic, axit salicylic... quá thường xuyên cũng khiến làn da trở nên nhạy cảm và yếu ớt hơn.
Hàng rào bảo vệ da đóng vai trò như tấm lá chắn giúp giữ hơi nước không bị thất thoát ra ngoài, đồng thời ngăn cản sự xâm nhập của các yếu tố gây hại từ môi trường.
Tẩy tế bào chết không quá 2 lần/tuần, không sử dụng nhiều sản phẩm đặc trị cùng một lúc, xem kỹ bảng thành phần trước khi mua mỹ phẩm mới để tránh không làm tổn hại đến hàng rảo bảo vệ da.
Hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh sẽ giúp duy trì độ ẩm tự nhiên tốt hơn và tạo điều kiện cho kem dưỡng phát huy tối đa vai trò của mình.
Da bị khô
Đã dưỡng ẩm đầy đủ mà da vẫn bị khô, điều đó cho thấy kem dưỡng kém hiệu quả với việc sửa chữa hàng rào bảo vệ da, dẫn đến không thể giữ nước và duy trì độ ẩm cho da.
Bạn nên tìm kiếm kem dưỡng ẩm có chứa axit hyaluronic, ceramide (thành phần then chốt của hàng rào bảo vệ da), những thành phần làm mềm, chiết xuất thực vật chống oxi hóa, hỗ trợ tái tạo và phục hồi da như dầu hoa anh thảo, dầu quả nam việt quất, dầu jojoba, bơ hạt mỡ (shea butter)...
Nếu kem dưỡng hiện tại không thể ngăn chặn tình trạng mất nước, bạn nên cân nhắc chuyển sang sản phẩm khác chứa nhiều dưỡng chất góp phần củng cố sức mạnh của hàng rào bảo vệ da.
Đã thoa kem hơn 30 phút mà da vẫn cảm thấy nhờn rít, chứng tỏ kem dưỡng bạn đang dùng chứa nhiều thành phần dưỡng ẩm vượt quá khả năng hấp thụ của da. Những thành phần này còn là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông.
Hãy ưu tiên sử dụng các loại kem dưỡng gốc nước, có kết cấu dạng gel mỏng nhẹ để tăng cường tốc độ thẩm thấu và hạn chế tình trạng nhờn rít kéo dài.
Bạn nên chọn kem dưỡng dạng gel, có độ đặc vừa phải, ít thành phần để không khiến làn da bị "quá tải" trong việc hấp thụ.
Trong thời gian sử dụng kem dưỡng ẩm mà da bị nổi mụn, lý do có thể đến từ sự suy yếu của hàng rào bảo vệ da, lỗ chân lông bị bít tắc và kem dưỡng đã vô tình góp phần khiến tình trạng mụn trở nên tệ hơn.
Mặt khác, có thể bạn đã chọn nhầm sản phẩm kem dưỡng chứa thành phần dễ gây kích ứng hoặc làm lỗ chân lông bị bít tắc.
Bạn nên tham khảo thật kỹ thông tin về bảng thành phần, tìm kiếm các loại kem dưỡng dành riêng cho da mụn, da nhạy cảm, da dễ kích ứng để vừa củng cố hàng rào bảo vệ da, duy trì độ ẩm, vừa hướng đến mục tiêu ngăn ngừa mụn.
Bổ sung vào skincare routine những loại kem dưỡng chứa retinol, BHA, tinh dầu tràm trà (tea tree oil) với nồng độ phù hợp để góp phần hạn chế sự phát triển của mụn.