Sau 1 tháng đi học, nhiều phụ huynh cho biết con có chấy rận trên đầu.
Khi >trẻ đi học, bên cạnh những nỗi lo về mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, chương trình học... lây chấy rận cũng là một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Mặc dù chấy rận không nguy hiểm tới tính mạng hay >sức khỏe, nhưng loại ký sinh trùng này khiến trẻ cảm thấy ngứa, khó chịu, ảnh hưởng tới việc tập trung học tập.
Mới đây, trong một diễn đàn của các cha mẹ, một ông bố bất ngờ nêu vấn đề: "Các con đã vào học được 1 tháng - các mẹ thử kiểm tra đầu xem có chấy không?"
Tưởng như chấy rận đã "tuyệt chủng" từ lâu, thế nhưng nghe tâm sự của các bậc phụ huynh mới thấy tình trạng này vẫn rất phổ biến.
Chị L.T.H có con năm nay lớp 6 nhưng vẫn bị chấy vì đi học bán trú. Chị chán nản cho hay: "Con em năm nay lớp 6 rồi mà vừa bán trú được 1 tháng lại đầy chấy. Em diệt Aladin cũng không đỡ. Diệt bằng dầu gội NewGi.C rẻ tiền hết nhanh hơn nhưng cũng chỉ được 1 thời gian. Chắc phải diệt đồng loạt các bé trong lớp hoặc không bán trú nữa".
Chị T.H cũng chung tâm sự chia sẻ: "Ối giời, 2 bố con vừa chải được 1 rổ!".
Chị N.N.V thì kể: "Ôi, chấy ở Tiểu học thì chả thiếu ạ. Hai năm đầu tiểu học, con nhà em ngủ trưa với các bạn ở trường, chấy quanh năm. Sau thì không gửi bán trú nữa mới hết chấy đấy".
Một số phụ huynh khác tỏ ra hốt hoảng khi giữa thủ đô mà vẫn còn chấy và cuối cùng, chính con mình cũng xuất hiện chấy và trứng chấy thật!
Chấy rận là gì?
Chấy rận hay còn gọi là con chấy (con chí) là một loại côn trùng nhỏ, dài khoảng 2 - 4 mm, sống bám trên da và chuyên hút máu vật chủ để sống.
Loài côn trùng hút máu này có nhiều màu, từ màu trắng nâu đến nâu đỏ và điều bất ngờ là nó chỉ thích làm bạn với con người. Chấy rận không có cánh, nên chúng không thể bay hay nhảy từ đầu này sang đầu khác, mà chúng chỉ có thể bò. Do đó, chúng dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác do việc đùa giỡn, chụm đầu gần nhau hay sử dụng chung khăn, gối, mền...
Nguyên nhân xuất hiện chấy rận ở người
- Sinh hoạt tập thể tại gia đình hoặc trường học do tiếp xúc trực tiếp đầu với đầu và cơ thể với cơ thể.
- Dùng chung lược, quần áo hoặc mũ với người bị chấy.
- Tiếp xúc qua các nội thất có chấy rận sinh sống như giường ngủ…
Cách nhận biết trẻ có chấy
- Thông thường có chấy sẽ gây cảm giác ngứa da đầu dữ dội, lúc nào cũng cảm giác có gì đó bò trên đầu. Da đầu nổi mẩn đỏ do trẻ gãi đầu.
- Quan sát trên tóc của trẻ xem có xuất hiện trứng chấy hay không.
- Khi nghi ngờ trẻ có chấy, cha mẹ hãy dùng lược bí (lược dày) chải nhẹ nhàng từ gốc đến ngọn tóc. Lặp đi lặp lại nhiều lần trên khắp cả vùng đầu, nếu có chấy thì cha mẹ cần tìm cách diệt ngay những "kẻ hút máu" bé nhỏ này!
Những cách trị chấy rận cho trẻ hiệu quả
Chị T.N mách nước 1 bí quyết diệt chấy rận khá hiệu quả từng áp dụng với bé nhà mình: "Gội dầu gội diệt chấy không ăn thua thì có thể làm theo cách các cụ truyền lại: Rang hạt na rồi nghiền nhỏ, trộn với rượu rồi bôi và ủ tóc. Giữ trong khoảng 30 phút rồi gội. Chấy say rượu na ngã như mưa. Nhưng cũng không ăn thua, được 1 hoặc 2 tuần lại vẫn thấy chấy vì các con đi học ngủ chung nên dễ lây nhau".
Một số cha mẹ khác lại mách cách xử lý chấy bằng hóa chất như dùng dầu gội đầu, thuốc ủ, ép tóc... Hầu hết các dầu gội và thuốc diệt chấy có bán ở các nhà thuốc hay siêu thị đều có thể sử dụng cho bé, miễn là không dùng nhiều hơn một lần/tuần và không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Ngoài ra, có khá nhiều bài thuốc dân gian như sử dụng nước ép cà chua, giấm ăn, tinh dầu trà, chanh tươi...
Tuy nhiên, đa phần các bậc phụ huynh cũng đều khẳng định, dù trị thế nào nhưng còn đi học bán trú, còn ngủ chung, chơi chung thì khả năng trẻ bị chấy trở lại là rất cao. Do đó, trị chấy cần phải đồng loạt mới mang lại hiệu quả, hạn chế được lây lan.
Lưu ý, cha mẹ diệt chấy nhưng tránh làm trẻ tổn thương. Bởi rất nhiều người luôn cho rằng, có chấy là việc đáng xấu hổ, do ăn ở không vệ sinh. Và những ai có chấy nên bị xa lánh tránh lây lan. Chính bởi thế, cha mẹ, thầy cô cần có cách xử lý dứt khoát chấy rận nhưng tinh tế, tránh làm trẻ cảm thấy xấu hổ.
Cha mẹ cũng không nên vì con có chấy mà ngại ngùng, che giấu. Cần thông báo cho thầy cô để tránh lây sang trẻ khác. Bởi không chỉ khi ngủ mới lây chấy mà bất kỳ lúc nào khi trẻ học tập, vui chơi, sinh hoạt... đều có khả năng lây lan.