Một trong những vấn đề trăn trở của các mẹ nuôi con nhỏ, đặc biệt là có con từ 3 tuổi trở xuống là làm thế nào để "dập tắt" ngay từ đầu những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi ở trẻ để bệnh không chuyển nặng hơn.

07:00 16/12/2020

Bắt đầu từ giai đoạn giao mùa đến nay, đây là một trong những thời điểm trong năm mà trẻ em hay bị ốm nhất. Những triệu chứng >sức khỏe đầu tiên của trẻ khi thời tiết chuyển mùa hay gặp nhất là hiện tượng sổ mũi hoặc nghẹt mũi và những cái hắt hơi đầu tiên. Đây được coi là dấu hiệu khởi phát phổ biến cho mỗi đợt ốm ở trẻ.

Nhiều mẹ than thở rằng trong giai đoạn thời tiết chuyển lạnh này, con cứ hết đợt ho mũi này, vừa dứt lại bắt đầu một đợt khác. Hoặc có khi mũi vừa khô được 2 - 3 ngày lại bắt đầu chuyển sang trạng thái khụt khịt.

Một trong những vấn đề trăn trở của các mẹ nuôi con nhỏ, đặc biệt là có con từ 3 tuổi trở xuống là làm thế nào để "dập tắt" ngay từ đầu những triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi ấy. Từ kinh nghiệm nuôi con của mình, các mẹ hiểu rằng nếu tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi kéo dài, thường sẽ kéo theo các triệu chứng khác như ho hay nghiêm trọng hơn là mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Bác sĩ Collin là bác sĩ nhi khoa người Pháp được nhiều mẹ Việt tin tưởng.

Trao đổi với bác sĩ Philippe Collin về nỗi trăn trở trên của các mẹ nuôi con nhỏ, bác sĩ cho biết khi miền bắc bắt đầu bước vào giai đoạn giao mùa đến nay, phòng khám nơi bác làm việc cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhi đến khám với các biểu hiện phổ biến là sổ mũi, nghẹt mũi và ho.

"Những đợt >trẻ bị hắt hơi, sổ mũi khi thời tiết chuyển lạnh cũng là những biểu hiện sức khỏe hết sức bình thường ở trẻ. Đó là điều không tránh khỏi bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện cho đến khoảng 7 tuổi. Không có loại thuốc nào hoàn toàn giúp được trẻ tránh được những biểu hiện như thế. Phải đến khi trẻ được khoảng 7 tuổi thì các đợt ốm sốt ở trẻ mới bớt đi", bác sĩ Collin lý giải.

 

Rửa mũi luôn thì con sẽ không bị nặng hơn

Với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, những đợt hắt hơi sổ mũi như vậy sẽ diễn ra khá thường xuyên. Dù không tránh được song có 1 cách có thể ngăn chặn các triệu chứng trên không nặng hơn, không khiến trẻ mắc các bệnh nguy hiểm hơn như viêm tiểu phế quản, viêm phổi…, đó chính là rửa mũi. "Rửa mũi ngay với nước muối khi con xuất hiện những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi đầu tiên thì sẽ giúp trẻ không bị bệnh nặng hơn. Rửa mũi đúng cách chính là cách phòng ngừa sơ cấp an toàn nhất, không tốn tiền, không phải dùng thuốc và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, khi ở nhà hay ngay cả khi đưa trẻ đi du lịch, về quê", bác sĩ Collin chia sẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ Collin cũng phân tích rằng đôi khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, khò khè, có đờm thường là biểu hiện triệu chứng chung của một đợt nhiễm virus vì trong môi trường sống của trẻ có rất nhiều loại virus khác nhau, trong đó có cả các virus nguy hiểm hơn gây ra bệnh cúm A, cúm B, bệnh ho gà hay nhiễm virus RSV gây ra viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Bố mẹ cần quan sát, nhận biết và phân biệt các triệu chứng sức khỏe của con.

Bởi vì biểu hiện giống nhau như thế, để không bị nhầm lẫn và con không phải dùng kháng sinh oan, chữa đúng bệnh thì bố mẹ cần quan sát, nhận biết và phân biệt con bị sổ mũi, nghẹt mũi thông thường hay bị mắc bệnh nào đó. Nếu thấy nghi ngờ, cần đưa bé đi xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của con.

Bác sĩ Collin khuyến cáo: "Quan trọng nhất, bất kể con bị viêm mũi họng đơn thuần hay con mắc bệnh nào đó là phải quan sát biểu hiện thể trạng sức khỏe của con, xem con có bất thường, gặp khó khăn khi ăn uống không, có bỏ bữa, li bì sốt cao, bỏ chơi, khó ngủ hay không…. Những dấu hiệu đó sẽ phản ánh rõ nhất thể trạng sức khỏe của con như thế nào. Sau đó, bố mẹ cần theo dõi xem biểu hiện của con có trở nặng không, có cần đưa đi bác sĩ không? Nếu thể trạng con vẫn bình thường thì tiếp tục rửa mũi thường xuyên cho trẻ và theo dõi con hàng ngày".

Hướng dẫn rửa mũi bằng đúng cách cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Đặt trẻ nằm nghiêng, má áp sát xuống bàn hoặc giường, dùng tay giữ chặt đầu bé. Dùng lọ nước muối sinh lý 0,09% (loại nhỏ dạng 10ml) xịt nhẹ nhàng nhưng dứt khoát vào bên mũi phía trên để nước mũi, đờm nhớt chảy sang mũi bên kia. Tiếp tục đổi bên cho bé và làm tương tự với mũi còn lại, mỗi bên 5ml. Con khụt khịt, khò khè là mẹ cần rửa mũi cho bé ngay bằng cách này.

"Mẹ có thể rửa mũi cho con mỗi ngày 1 lần hoặc khi con bị ốm mà nhiều đờm mũi thì nên rửa 4 - 6 lần trong ngày. Nên lưu ý là khi con bị ốm, lượng đờm ra nhiều hơn, con ăn có thể nôn trớ nhiều, vì thế nên rửa mũi trước khi ăn 15 phút để trẻ sạch đờm trong họng, trẻ không bị nôn trớ nữa, dễ chịu hơn khi ăn", bác sĩ Collin lưu ý.

Nên rửa mũi ngay khi trẻ xuất hiện triệu chứng hắt hơi, sổ mũi đầu tiên (Ảnh minh họa).

Đối với trẻ trên 6 tháng, mẹ có thể áp dụng cách rửa mũi với tư thế trên, tăng lượng nước muối khi rửa lên 10ml mỗi bên và không giới hạn số lần rửa mũi trong ngày. "Làm sạch mũi cho con mọi lúc, mọi nơi, càng sạch nhanh càng tốt, trẻ sẽ không bị nặng hơn. Trẻ có thể ngồi hay nằm cũng được, quan trọng là đúng kĩ thuật để cuốn hết đờm mũi ra ngoài", bác sĩ Collin giải thích.

Chia sẻ thêm về mối lo lắng rằng rửa mũi nhiều sẽ khiến trẻ bị viêm tai giữa, sang chấn tâm lý, bác sĩ Collin cho biết: "Thường các bé sẽ quấy khóc, phản đối, nhất là những lần đầu rửa mũi. Tuy nhiên sau vài lần các bé sẽ quen. Rửa mũi hiệu quả và thuận tiện nhất các mẹ nên dũng cảm, mạnh tay hơn để có thể rửa mũi đúng cách cho con bởi đây là phương pháp đơn giản nhất, an toàn nhất. Mẹ nên nghĩ rằng khi con bị sổ mũi, ngạt mũi, chưa biết tự xì mũi ra thì việc rửa mũi ấy là mẹ đang hỗ trợ con và con cần sự hỗ trợ của mẹ để nhanh khỏe mạnh. Nếu không rửa mũi sớm, tình trạng sổ mũi kéo dài, con có thể nuốt đờm xuống gây ra hiện tượng phân nhầy, tiêu chảy hoặc tắc lại gây nghẹt mũi, ho, viêm họng…".

Bác sĩ Phillippe Collin tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa và Nhi Khoa vào năm 1974 và chuyên ngành sơ sinh vào năm 1976 tại ĐH Angers (Pháp). Bên cạnh đó, ông còn theo học chuyên ngành Kháng Sinh Học tại ĐH Nantes, chuyên ngành Thống Kê Sinh Học Và Y Học-ĐH Curie, chuyên ngành Quản Lý Y Tế tại ĐH Paris, và cuối cùng là ngành Cấy Ghép Mô tại ĐH Lyon. Hiện ông công tác tại Family Medical Practice Hà Nội.

Trong giới chuyên môn, bác sĩ Collin được biết tới với những công trình nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh trong các ca nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính. Bác sĩ Collin là thành viên của Hiệp Hội Bác sĩ Nhi Khoa Pháp, Hiệp Hội Bác sĩ Chuyên Ngành Nhi Sơ Sinh Hoa Kỳ, và Hiệp Hội Các Học Viện Nghiên Cứu Nhi Khoa Quốc Tế.

Theo T.Q/ Tổ Quốc