Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp khi mang thai, có nguy cơ gây tai biến sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Theo Bác sĩ Hồ Thu Thủy - Phó Phụ trách khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) nhấn mạnh, chị em phụ nữ khi mang thai tuyệt đối không được chủ quan với bệnh lý này. Bởi bệnh sẽ gây ra các nguy cơ nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi.
Với người mẹ:
Thai phụ mắc Tiểu đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, phải mổ lấy thai.
Về lâu dài, các thai phụ mắc Tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành Tiểu đường týp 2 và các biến chứng liên quan, đặc biệt là biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt.
BS Hồ Thu Thủy lưu ý các thai phụ không nên chủ quan với >tiểu đường thai kỳ vì sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
BS Thủy cũng cho biết: Đa phần các thai phụ sẽ khỏi Tiểu đường thai kỳ sau khi sinh xong do đã hết tình trạng đề kháng Insulin của nhau thai. Tuy nhiên, vẫn sẽ có tỉ lệ không khỏi và chuyển thành tiền tiểu đường hoặc tiểu đường týp II.
Do đó, các thai phụ cần phải khám và làm lại nghiệm pháp dung nạp đường huyết sau khi sinh xong 4 -12 tuần. Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, có khoảng 17% đến 63% các phụ nữ bị Tiểu đường thai kỳ sẽ tiến triển thành Tiểu đường týp 2 trong thời gian 5 năm đến 16 năm sau sinh, vì vậy cần có chế độ >dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để giảm tối đa nguy cơ mắc tiểu đường mạn tính.
Với thai nhi và trẻ sơ sinh:
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ.
Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ làm thai nhi tăng trưởng quá mức, tăng nguy cơ hạ glucose huyết tương, mắc các bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý hô hấp ở trẻ sơ sinh, tăng tỉ lệ dị tật bẩm sinh, tử vong chu sinh, vàng da sơ sinh ở trẻ.
Ngoài ra đái tháo đường thai kỳ còn gây ra các ảnh hưởng lâu dài với trẻ như gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh ĐTĐ týp 2, rối loạn tâm thần - vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị Tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị Tiểu đường và tiền tiểu đường tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.
Bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội sẽ theo dõi đường huyết của bà bầu qua phiếu, từ đó sẽ điều chỉnh hợp lý chế độ dinh dưỡng để kiểm soát tình trạng Tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ có là 1 bệnh nguy hiểm và đáng sợ khi mang thai?
Đái tháo đường thai kỳ là yếu tố nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, không chỉ ảnh hưởng xấu đến >sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được chẩn đoán sớm và có chế độ dinh dưỡng điều trị phù hợp.
Do đó, >mẹ bầu cần khám thai và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc đúng lịch tại các cơ sở uy tín để được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.