Sau vài giờ đưa vào bệnh viện, rất đau lòng là cháu đã không qua khỏi...
Theo thông tin từ Tạp chí Tri Thức, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, gia đình của cháu bé 5 tuổi đã vô tình đựng nước rửa động cơ trong tủ lạnh. Do cháu bé mới 5 tuổi, chưa phân biệt được nên đã uống nhầm.
Ngay sau khi uống, trẻ có biểu hiện tím tái, suy hô hấp, co giật và dẫn tới hôn mê sau vài phút. Bé nhập cấp cứu trong tình trạng tổn thương đa cơ quan.
"Do lượng dung dịch uống nhầm quá lớn, độc lực quá lớn, mọi điều trị cứu chữa ban đầu của chúng tôi không thể giữ được bé. Sau vài giờ đưa vào bệnh viện, rất đau lòng là cháu đã không qua khỏi", bác sĩ Thủy cho biết.
Dẫn tin từ VTV, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện >ngộ độc do uống nhầm hóa chất, cha mẹ cần nhanh chóng xử trí bằng cách trấn an tinh thần của bé và tìm hiểu về loại> hóa chất mà bé đã uống nhầm hoặc tiếp xúc.
Nếu trẻ còn tỉnh táo, cần cho trẻ uống thật nhiều nước và nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để tống ngược chất độc ra ngoài.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bị ngộ độc xăng hoặc các hóa chất dễ bay hơi, cha mẹ không được tiến hành gây nôn. Việc này có thể khiến hơi hóa chất tràn vào khí quản, dẫn đến tăng mức độ ngộ độc, có thể gây bỏng. Thay vào đó, có thể dùng bột gạo, sữa, bột mì, nước cháo, lòng trắng trứng gà để cho bé ăn.
Trường hợp trẻ ngộ độc kim loại nặng như chì, thủy ngân, nên cho trẻ ăn lòng trắng trứng và sữa để tạo phản ứng kết tủa nhằm hạn chế chất độc ngấm vào bên trong cơ thể trẻ, bảo vệ thành ruột và niêm mạc dạ dày để ngăn không cho hấp thụ hóa chất.
Sau khi đã sơ cứu tại chỗ, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ đưa ra phương án điều trị thích hợp như rửa ruột, truyền thuốc giải độc…
Cách phòng ngừa ngộ độc hóa chất ở trẻ em
- Bảo quản các loại thuốc, hóa chất gia dụng ở những vị trí an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ. Nếu cần thiết, cần để trong tủ có khóa cẩn thận để đảm bảo trẻ không thể tiếp xúc với những loại hóa chất này.
- Không gây nhầm lẫn khi dùng chai đựng nước uống để chứa hóa chất và ngược lại.
- Không để chung thuốc uống với các loại chai lọ hóa chất hay thuốc khử khuẩn.
- Không nên để trẻ tự chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn bởi trẻ nhỏ rất hiếu động và có thể vô tình gặp tai nạn nguy hiểm.
- Ưu tiên lựa chọn những sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thiên nhiên ít độc hại hơn.