Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, 2 nguyên tắc cơ bản điều trị khi trẻ bị tiêu chảy đó là đề phòng mất nước và cho ăn đủ.
1. Như thế nào thì được gọi là >trẻ bị tiêu chảy?
Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Quan trọng là tính chất lỏng của phân, nếu chỉ đi ngoài nhiều lần mà phân bình thường thì không phải là tiêu chảy. Những trẻ bú mẹ hoàn toàn thường có phân mềm, vàng và sền sệt, không phải là tiêu chảy.
Đợt tiêu chảy là thời gian kể từ ngày đầu tiên bị tiêu chảy cho đến ngày mà sau đó hai ngày phân trẻ bình thường. Nếu sau hai ngày trẻ tiêu chảy lại là trẻ bắt đầu một đợt tiêu chảy mới.
Tiêu chảy cấp là thời gian mắc tiêu chảy dưới 14 ngày. Tiêu chảy kéo dài là thời gian mắc tiêu chảy kéo dài từ 14 ngày hoặc hơn.
Ở tuyến y tế cơ sở tiêu chảy có máu trong phân, có hoặc không có nhày được gọi là lỵ. Một trẻ có thể vừa bị tiêu chảy phân nước và vừa bị lỵ.
Phụ huynh không nên thờ ơ với con trẻ, bởi tiêu chảy là bệnh rất hay gặp ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em.
2. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ
Trẻ bị tiêu chảy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, song phần lớn là do trẻ nhiễm virus, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, sử dụng thuốc kháng sinh (diệt cả loại vi khuẩn có lợi trong ruột), dị ứng thức ăn...
Do nhiễm khuẩn: thường lây nhiễm bởi thức ăn, nước uống, vật đựng thức ăn, tay bẩn.
- Nhiễm virus: Rotavirus: 40% các trường hợp.
- Nhiễm vi khuẩn: Coli gây bệnh, lỵ trực trùng (Shigella), tụ cầu, tả......
- Nhiễm ký sinh trùng, nấm candida, trùng roi, amíp, giun.
Các nguyên nhân khác:
- Do sai lầm về chế độ ăn
+ Trẻ ăn sữa công thức: Pha sữa không đúng công thức, không dung nạp đường lactose, mẫn cảm với chất đạm của sữa công thức...
+ Thành phần thức ăn không cân đối.
- Do sử dụng kháng sinh: sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định, kéo dài ở trẻ có thể gây tiêu chảy. Một số thuốc kháng sinh như thuốc amoxicillin, penicillin, erythromycin, cephalosporin thường có tác dụng phụ gây tiêu chảy.
- Do mắc một số bệnh: sởi, viêm tai giữa, suy >dinh dưỡng, thiếu men tiêu hoá, suy giảm miễn dịch mắc phải.
3. Nguy hiểm khi bé bị tiêu chảy
+ Gây mất nước và điện giải có thể dẫn đến tử vong
+ Thiếu dinh dưỡng: do ăn kiêng, trẻ chán ăn, các chất dinh dưỡng mất đi theo phân, số ít hấp thu được dùng để hồi phục vết thương.
Do vậy, 2 nguyên tắc cơ bản trong điều trị tiêu chảy là:
+ Đề phòng mất nước
+ Cho ăn đủ
4. Triệu chứng lâm sàng của bệnh
Những biểu hiện khác lạ làm trẻ dễ mắc phải bệnh tiêu chảy như:
Triệu chứng tiêu hóa
- Tiêu chảy: Phân lỏng nhiều nước, phân có thể có nhày, nếu bị lỵ phân có máu mũi.
- Nôn: Nếu do Rota virus hoặc tụ cầu thường nôn rất nhiều.
- Biếng ăn: Trẻ từ chối không muốn ăn các thức ăn thông thường.
Triệu chứng mất nước
- Toàn trạng: trẻ có thể tỉnh táo, nặng hơn trẻ vật vã kích thích hoặc li bì khó đánh thức.
+ Trẻ có dấu hiệu vật vã kích thích là trẻ thường xuyên quấy khóc kể cả khi được mẹ dỗ dành.
+ Trẻ li bì khó đánh thức là trẻ không thể thức dậy khi được lay gọi hay đánh thức.
- Mắt trũng: trẻ mất nước, mắt trẻ sẽ trũng hơn so với bình thường.
- Khát nước: với trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên cần đánh giá xem trẻ uống nước bình thường, khát uống háo hức hay không uống được uống kém.
+ Trẻ uống háo hức khát là trẻ có biểu hiện với tay hay cúi người về phía cốc nước hoặc khóc khi không được cho uống nước.
+ Trẻ không thể uống được hoặc kém là trẻ không thể uống hoặc nuốt khi cho trẻ uống nước, những trẻ này thường trong tình trạng nặng, có biểu hiện mệt lả hoặc li bì khó đánh thức kèm theo.
- Nếp véo da: khi véo da bụng sẽ thấy nếp véo da bụng của trẻ có thể mất ngay, mất chậm hoặc mất rất chậm.
+ Nếp véo da bụng mất ngay là khi thả tay ra không nhìn thấy nếp da bụng của trẻ.
+ Nếp véo da bụng mất chậm là khi thả tay ra vẫn còn nhìn thấy nếp véo da bụng của trẻ và nếp véo da mất dưới 2 giây.
+ Nếp véo da mất rất chậm là khi thả tay ra vẫn còn nhìn thấy rõ nếp véo da bụng của trẻ và nếp véo da mất sau 2 giây.
Các triệu chứng khác: Trẻ bị tiêu chảy có thể có biểu hiện của các bệnh khác như: suy dinh dưỡng, sốt, ho, chảy nước tai...
5. Phòng bệnh cho trẻ
Bình quân mỗi trẻ em dưới ba tuổi mắc từ một đến ba đợt tiêu chảy trong một năm. Vậy, cách phòng ngừa và trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em như thế nào?
Một vài giải pháp phòng ngừa cha mẹ có thể làm để ngăn ngừa bệnh đến với con mình.
- Cải thiện nuôi dưỡng: nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung đúng đủ theo lứa tuổi.
- Sử dụng nước sạch.
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu.
- Xử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý phân, nước thải và rác đảm bảo vệ sinh môi trường tránh dịch tiêu chảy.
- Thực hiện tiêm chủng đủ, đúng lịch, đặc biệt là tiêm phòng sởi, Rotavirus.
6. Các mẹ cần làm gì khi bé bị tiêu chảy?
Trên thực tế, nhiều bà mẹ khi thấy con bị tiêu chảy nhưng loay hoay không biết cần làm gì, chuyên gia chỉ rõ 3 việc bà mẹ nào có con bị tiêu chảy cũng cần phải thực hiện, đó là:
- Cho trẻ bú thường xuyên và mỗi bữa bú cho trẻ bú lâu hơn.
- Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn cho trẻ uống thêm ORS hoặc nước đun sôi để nguội.
- Nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn cho trẻ uống thêm các loại nước sau: Dung dịch ORS, nước canh, nước cháo, nước quả, nước đun sôi để nguội.