Trong lúc cầm bút chì chơi, bé gái 6 tuổi vấp ngã và bị ngòi bút đâm vào mặt, xuyên qua sống mũi và cắm sâu gần 4 cm vào sát ổ mắt, tình trạng rất nguy hiểm.
Ngày 30/1, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đêm qua nơi đây đã tiếp nhận và cứu chữa khẩn cấp cho hai trường hợp bệnh nhi bị tai nạn vô cùng nguy hiểm.
Trường hợp thứ nhất là của một bé gái 6 tuổi (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM). Theo lời kể của người nhà trong lúc cầm bút chì chơi, bé gái 6 tuổi vấp té và bị ngòi bút đâm vào mặt, xuyên qua sóng mũi.
Dị vật cắm sâu gần 4 cm vào sát bờ dưới trong ổ mắt, chỉ cần chiếc bút đi chệch vị trí khoảng 1 mm thì bé đã mất mạng ngay lập tức.
Ekip điều trị cho biết, may mắn là đầu bút chì ở dọc tháp mũi đến mặt trước xoang hàm, không chọc thủng nhãn cầu mà xuyên qua vị trí bờ dưới nhãn cầu và hốc mắt. Dị vật nằm rất gần các mạch máu chính dễ gây xuất huyết nếu đường đi chệch hướng.
Sau khi khẩn trương bóc tách lấy dị vật, các bác sĩ khoa tai mũi họng đã kiểm tra mặt trước xoang hàm, xương chính mũi thì thấy còn nguyên vẹn. Bệnh nhi được cầm máu kĩ, đặt dẫn lưu găng, đóng vết thương và ổn định hồi sức.
Trường hợp thứ hai là của một bé trai 4 tuổi (quê Long An). Khi đang nằm ngậm thanh cầu bánh xe đồ chơi, bé bất ngờ nuốt trôi luôn thanh dị vật dài 3 cm, có 2 đầu nhọn vào dạ dày gây thủng ruột phải đi cấp cứu.
Tại bệnh viện khi kiểm tra, các bác sĩ thấy niêm mạc tá tràng, dạ dày, thực quản không tổn thương, không bị chảy máu.
Sau khoảng 30 phút, BS Nguyễn Cẩm Tú, trưởng khoa tiêu hóa đã khẩn trương nội soi lấy được dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhi.
Những trường hợp nuốt phải dị vật kim loại, nhất là những dị vật có kích thước lớn rất nguy hiểm vì có thể làm thủng đường tiêu hóa gây áp xe trung thất hoặc viêm phúc mạc. Việc nội soi lấy dị vật cũng rất khó khăn có thể thất bại, phải chấp nhận cuộc phẫu thuật.
Các bác sĩ cho biết, bị hóc dị vật, tai nạn xe cộ, bỏng, điện giật, ngạt nước… là những tai nạn ngày Tết dễ xảy ra với bé.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, ghi nhận hằng năm, số ca trẻ em phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 do các tai nạn sinh hoạt khoảng 10-20 trường hợp trong mỗi đợt Tết.
Trẻ có thể bị bỏng nước sôi vì chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. Bỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hay bị bỏng điện do nghịch phá đèn chớp tắt trang trí.
Tết là dịp các loại kẹo, hạt được bày sẵn trên bàn. Các bé có thể tự lấy ăn, bỏ vào miệng nuốt, bắt chước người lớn cắn hạt dưa, hạt bí. Nhiều trường hợp bé nuốt, mắc phải các loại hạt này trong đường thở, gây ngạt.
Đặc biệt với các bé nhỏ tuổi, đang chập chững đi có thể đi vào phòng tắm, ra sân, bị té chúi đầu vào thau, xô đựng đầy nước đã được hứng sẵn để dọn rửa nhà cửa, sân vườn khi người lớn không chú ý.
Do vậy, cha mẹ nên lưu tâm và đề phòng cẩn thận để tránh những sự cố đáng tiếc.
Để phòng ngừa việc nuốt phải dị vật ở trẻ nhỏ nhất là trong dịp Tết trẻ nghỉ học, các phụ huynh tuyệt đối không cho các trẻ em chơi các đồ vật nhỏ, đặc biệt vật sắc nhọn, súng, phi tiêu, bút viết.
Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật hoặc tai nạn thương tích phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.