Cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp phát triển thể chất và trí não khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém...
Theo thông tin được đưa ra tại “Hội nghị công bố Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019" cho biết, trên thế giới cứ 3 trẻ em dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu >dinh dưỡng hoặc thừa cân – tương đương với khoảng hơn 200 triệu trẻ em. Một trong 2 trẻ em bị đói tiềm ẩn, cản trở cơ hội của hàng triệu trẻ em được phát triển, phát huy hết tiềm năng của mình.
Cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Tại Việt Nam theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017 cho biết: 24% trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi, 6% trẻ em dưới 5 tuổi gầy còm, 6% trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân. Hơn 50% trẻ em dưới 5 tuổi bị đói tiềm ẩn.
Báo cáo cảnh báo rằng thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Phát hiện này cũng được nhấn mạnh trong một phân tích tổng thể về ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ trong khuôn khổ Sáng kiến Khu vực về Cải thiện Dinh dưỡng và Phái triển (RISING), được Viện Dinh Dưỡng (NIN) thực hiện trong năm 2019. Phân tích này cho thấy thực hành cho ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ ở Việt Nam phần lớn là chưa đầy đủ và phù hợp, khiến cho gánh nặng suy dinh dưỡng càng thêm nặng nề.
Ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh. Hơn nữa, ngay khi được ăn những thức ăn đầu tiên khi trẻ bước vào tuổi ăn dặm (6 tháng - 2 tuổi), tình trạng trẻ em Việt duy trì chế độ ăn không đầy đủ rất phổ biến.
Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 18% trẻ em không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm và 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết. Những trẻ này có chế độ ăn kém chất lượng, thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Một phần ba (35%) không tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc động vật hàng ngày, trong khi 22% không tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A và 14% không tiêu thụ các thực phẩm giàu chất sắt hàng ngày. Có một số bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ rau xanh hàng ngày cũng thấp. Những trẻ em trong các gia đình nghèo và sống ở vùng xa xôi hẻo lánh, dân tộc thiểu số có lượng bổ sung thực phẩm ít nhất.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flower chia sẻ: "Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới nơi có nhiều trẻ em được sinh tồn, song quá ít trẻ em được phát triển khỏe mạnh. Nếu chúng ta có thể đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt nghĩa là đảm bảo phụ nữ mang thai nhận được các dưỡng chất đầy đủ để khỏe mạnh và nuôi con nhỏ phát triển tốt. Sau khi sinh, người mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cho con ăn thêm dần các nhóm thực phẩm khác nhau bao gồm rau và hoa quả".
Ăn bổ sung nghĩa là cho ăn thêm các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Các thức ăn và chất lỏng thêm này được gọi là thức ăn bổ sung vì chúng bổ sung cho sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thức ăn bổ sung phải là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ về mặt số lượng để trẻ có thể tiếp tục phát triển.
Từ khi tròn 6 tháng tuổi (180 ngày sau sinh), tốc độ tăng trưởng của trẻ tăng lên nhiều vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên và sữa mẹ không thể đáp ứng nhu cầu này. Ăn bổ sung sau 6 tháng tuổi giúp trẻ phát triển, hoạt động tốt và khỏe mạnh. Ăn bổ sung thường được các mẹ gọi là ăn dặm.