Hiện nay, ở các thành phố lớn, tỉ lệ trẻ em bị cận thị chiếm đến 25 – 30%. Cha mẹ cần sớm nhận biết hội chứng này ở bé thông qua một số dấu hiệu cơ bản.
Cận thị ở trẻ em không gây tử vong nhưng nếu cha mẹ không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những chứng bệnh nguy hiểm về mắt như: bong võng mạc, mù lòa… và nhiều hội chứng suy giảm thị lực khác.
Đây là tật khúc xạ ở mắt khiến trẻ không thể nhìn rõ những vật ở xa. Những nguyên nhân chính gây ra cận thị ở trẻ em bao gồm:
- Cận thị bẩm sinh do di truyền: Theo nghiên cứu, cha mẹ bị cận thị rất dễ di truyền cho con cái. Thông thường, nếu cha mẹ bị cận dưới 3,5 đi-ốp thì khả năng di truyền cho con cái rất nhỏ. Nếu cha mẹ bị cận thị nặng (từ 6 đi–ốp trở lên) thì khả năng di truyền cho con cái lên đến 100%.
- Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ: Trong giai đoạn từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi, trẻ phát triển rất nhanh. Nếu thời gian ngủ của trẻ quá ít hoặc không đủ thời gian ngủ sẽ dẫn đến nguy cơ mắc tật cận thị rất cao.
- Trẻ sinh ra bị thấp cân: Theo thống kê, nhiều trẻ sinh ra có cân nặng dao động trong khoảng 2,5kg sẽ mắc chứng cận thị khi đến tuổi thiếu niên.
- Trẻ sinh thiếu tháng: Trẻ sinh thiếu tháng từ hai tuần trở lên có nguy cơ bị cận khi còn rất nhỏ.
- Trẻ xem tivi hoặc tiếp xúc với Internet và các thiết bị điện tử (smartphone, iPad...) với tần suất liên tục.
- Trẻ ngồi học có thói quen nhìn gần trong điều kiện thiếu ánh sáng khiến mắt phải liên tục điều tiết.
Khi phát hiện con có một trong những dấu hiệu sau đây rất có khả năng trẻ đã bị cận thị:
- Trẻ thường xuyên nhìn gần khi xem tivi hoặc đọc sách: Nếu cha mẹ thấy con nhìn gần khi xem tivi hoặc cúi sát mặt khi đọc sách thì chứng tỏ bé đã mắc tật cận thị.
- Trẻ bỗng dưng có thói quen dụi mắt: Nếu bị cận, trẻ thường giơ tay lên dụi mắt khi cố gắng tập trung nhìn vào một vật gì đó.
- Trẻ nhạy cảm với ánh sáng hoặc chảy nước mắt nhiều hơn bình thường: Trẻ bị cận thị sẽ có dấu hiệu nhạy cảm với các loại ánh sáng (ánh sáng mặt trời, ánh đèn trong nhà…). Khi đến nơi có nhiều ánh sáng, trẻ sẽ có cảm giác sợ, nheo mắt hoặc lấy tay che mắt. Thậm chí, nhiều trẻ còn có cảm giác chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
- Trẻ nhắm một mắt khi đọc sách: Mắt bị tật khúc xạ sẽ gặp khó khăn trong việc điều tiết và giảm khả năng phối hợp đồng bộ hai mắt. Để đọc sách rõ hơn, trẻ bị cận thị sẽ có xu hướng nheo một mắt lại khi đọc.
- Trẻ nghiêng đầu khi nhìn chữ trên bảng: Khi nhìn lên bảng, trẻ thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu để đọc chữ thầy cô viết.
- Ngoài những dấu hiệu cơ bản trên, trẻ còn có một số biểu hiện khác như:
+ Trẻ không thích tham gia các hoạt động liên quan đến thị giác như: vẽ tranh, tô màu, đọc chữ.
+ Trẻ không nhìn thấy những vật ở cự ly cách 1m.
+ Trẻ thường xuyên mượn vở bạn chép bài vì không thấy chữ viết trên bảng.
+ Trẻ liên tục chảy nước mắt sống hoặc lấy tay dụi mắt.
Nếu nhận thấy con có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chữa trị kịp thời, tránh mắc các chứng bệnh nguy hiểm về mắt.