Dĩ nhiên cha mẹ nào cũng muốn con mình cao lớn, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, để đạt được như ước nguyện thì các bậc phụ huynh cần chú ý đến một vài điểm quan trọng khi chăm sóc bé.
Hệ tiêu hoá, bài tiết của bé
Trong khoảng một tuần đầu sau sinh, bé có thể đi vệ sinh tới vài lần một ngày nhưng theo thời gian, số lượng này sẽ giảm dần xuống. Ngoài ra, màu sắc, độ mềm cứng của “thành phẩm” cũng phụ thuộc vào việc bé được bú sữa mẹ hay sữa ngoài.
Bé có thoả mãn mỗi lần được cho ăn?
Hãy chú ý xem bé đã tỏ vẻ hài lòng và thoả mãn sau mỗi lần bú hay chưa. Cha mẹ cần phải xác định được rõ trường hợp bé vẫn chưa muốn ngủ nghỉ mà tỏ vẻ gắt gỏng, khó chịu hoặc nghiêm trọng hơn, bé có thể đang bị đầy bụng hay bị đau ở một bộ phận nào đó.
Thời gian ngủ nghỉ của bé
Nếu bé ngủ nhiều một cách bất thường và ngay cả khi không ngủ, bé cũng tỏ vẻ lờ đờ, thiếu tập trung thì rất có thể bé đang gặp một vấn đề nào đó. Nếu tình trạng này kéo dài bất thường, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.
Màu sắc da của bé
Màu da cũng nói lên phần nào tình trạng sức khoẻ của bé. Nếu trên da xuất hiện những vùng thẫm màu hoặc vàng vọt bất thường thì chắc chắn thể trạng của bé cũng gặp vài vấn đề trục trặc.
Quá trình tăng trưởng của bé
Cha mẹ nên theo dõi quá trình tăng chiều cao, cân nặng của bé từ khi mới sinh ra. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong trường hợp cần phải đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa. Ngoài ra, những thay đổi đột ngột trong biểu đồ phát triển cũng có thể cảnh báo về tình trạng sức khoẻ của bé.
So sánh con mình với “con nhà người ta”
Cha mẹ thường khó tránh khỏi tâm lý so sánh con mình với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng khi thấy con bạn thấp, nhỏ, nhẹ cân hơn “con nhà người ta”. Quá trình phát triển của mỗi trẻ nhỏ là riêng biệt và chỉ nên chú ý khi bé có những dấu hiệu phát triển bất thường, đáng lo ngại.